Tôi có quen một con bé bạn nhà ở dưới quê, nơi quanh năm người dân lam lũ cùng ruộng đồng. Nó thường bảo rằng mấy đứa nhóc ở dưới quê thì cái gì cũng thiếu, nên chỉ cần mỗi lần đến dịp lễ lộc như Tết Trung Thu là chúng nó mừng lắm, vì được dịp đi khắp làng xóm từ trên thôn xuống dưới xã, cầm lồng đèn mà dưới xã tặng cho trẻ em nghèo, nhận vài miếng bánh nướng hay bánh dẻo từ mâm cỗ vừa cúng xong mà người lớn đưa cho, vừa ăn vừa tung tăng hát ca dưới trăng rằm sáng vằng vặc trên đường quê.
Là con gái thành phố, ấu thơ trong tôi không êm đềm và trong trẻo như lũ trẻ dưới quê, mà lại rộn ràng sắc màu và lấp lánh ánh đèn trong ánh mắt trẻ con khi được ba đặt ngồi trên yên xe phía trước rồi đèo đi vòng vòng ngắm nhìn phố lồng đèn. Cứ thế, phố lồng đèn Lương Nhữ Học cũng lớn lên trong tôi qua từng năm tháng.
Lồng đèn lung linh trải dài khắp khu phố
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, hay còn gọi là phố người Hoa, quanh năm con phố hiền hòa và lặng lẽ như thế. Rồi mỗi độ trăng tròn tháng tám, phố Lương Nhữ Học như được khoác lên chiếc áo mới, lấp lánh và rạng ngời với từng dãy lồng đèn đủ kiểu, đủ chất liệu giăng ngang dọc khiến những đôi mắt trẻ thơ phải ngước mình không chớp và ngẩn ngơ những người đã đi qua rồi tuổi thơ.
Cho đến tận bây giờ, khi cầm trên tay chiếc lồng đèn giấy bóng kính màu đỏ, cảm giác của những ngày thơ bé vẫn vẹn nguyên.
Có lẽ, mọi thứ đều được hiện đại hóa để bắt kịp với độ phát triển của xã hội, nhưng đâu đó, tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học này, vẫn ngập tràn sắc màu của những chiếc đèn được làm thủ công đa dạng kiểu dáng. Chất liệu làm đèn ngày nay cũng nổi trội hơn với nhiều loại giấy bóng kính màu, giấy truyền thống, giấy cứng xếp, nhựa, và mặt hàng đèn lồng chạy bằng pin, có đèn và nhạc vẫn luôn thu hút các khách hàng nhí. Người lớn cũng như trẻ con, năm nào cũng gắng sức chen chúc vào phố không chỉ để mua tặng cho con nít ở nhà một vài chiếc lồng đèn, mà còn tranh thủ chụp hình cùng con phố đèn lồng một năm mới có một lần này.
Còn đối với những người không thích sự náo nhiệt hay vốn dĩ chỉ muốn hưởng thụ cái không khí tròn trịa của Trung Thu Sài Gòn thì lại chọn cách đi loanh quanh ngắm nhìn, hoặc giả ngồi ở hàng quán nào đó, dõi mắt theo sự nhộn nhịp của con phố đèn lồng Lương Nhữ Học lung linh sắc màu. Để tôi mách lẻo cho các bạn một vài địa điểm ăn rất ngon gần khu phố lồng đèn cho tiện việc đi lại nhé!
Sủi cảo Hà Tôn Quyền
Hà Tôn Quyền là con đường nổi tiếng về sủi cảo ở quận 5. Nếu lỡ đi ngang đoạn đường này chắc chắn bạn sẽ không thể từ chối tấp vào một quán nếm thử một trong những đặc sản nổi tiếng của Trung Hoa này. Sủi cảo từa tựa hoành thánh nhưng thay vì vò thành từng viên tròn, sủi cảo sẽ mang hình tam giác. Nhân bên trong cũng khá chất lượng, ngoài thịt bằm được nén chặt tay thì còn có thêm 1 con tôm tươi, khi trụng chín, con tôm mơn mởn ẩn dưới lớp bột bánh mỏng trông thật kích thích. Một tô thập cẩm (cảo chạp) còn có thêm chả cá, da heo, mực ngâm nước tro, cải ngọt,... khá là chất lượng cho bữa tối.
Cảo chạp
Viên sủi cảo tam giác
Sủi cảo chiên giòn
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Ngọc Ý: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/sui-cao-ngoc-y
Thiên Thiên: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/sui-cao-thien-thien-ha-ton-quyen
Cháo gà Kim Anh
Nằm trên đường Lão Tử, với “tuổi thọ” kinh doanh 30 năm. Kim Anh nức tiếng với món cháo gà, gỏi gà cùng nguồn nguyên liệu gà ta chính gốc đảm bảo, thêm nữa, gỏi gà được trộn vừa ăn, vị thanh ngọt vừa phải, không ngọt đường mà giá cả lại rất bình dân. Buổi tối mát trời sau khi “du ngoạn” phố lồng đèn mà được thưởng thức một tô cháo gà nóng hổi nghi ngút khói vừa thổi vừa ăn hay dĩa gỏi gà giòn tan cùng với gà ta chính hiệu chấm nước mắm ngon thì còn gì bằng.
Gỏi gà
Phần cháo gỏi thập cẩm
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/kim-anh-chao-goi-ga
Cá Viên Cà Ri
So với những chiếc xe đẩy cá viên chiên ăn vặt bán trên phố thì cá viên cà ri tại đây là “ông vua cá viên”, bởi ngoài vị dai dai, hoàn toàn không bị bở, còn có cà ri sốt ngoài cay cay thơm thơm và nồng nàn hương vị cà ri kiểu Hồng Kông. Điểm đặc biệt ở quán là nước chấm sa tế tự chế biến của chủ quán, cũng vẫn cay nồng không kém cạnh gì cà ri nhưng nếu thiếu đi nước chấm thì hương vị của cá viên cà ri nhạt hẳn đi. Bên cạnh “đặc sản” cá viên cà ri thì món mì phá lấu lòng bò, mì cá viên cà ri, mì cá thát lát cải thìa vẫn luôn được thực khách ưu tiên chọn lựa khi đến quán.
Cá viên cà ri
Mì phá lấu lòng bò
Bò viên
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/ca-vien-ca-ri-nguyen-trai
Cơm Gà Đông Nguyên
Cơm gà Đông Nguyên và cơm gà Hải Nam luôn được đem ra so sánh cùng nhau. Nhưng có lẽ khẩu vị mỗi người mỗi khác, thế nên cơm gà bên nào ngon hơn đều do ý kiến chủ quan của mỗi người. Và theo ý kiến chủ quan của tôi thì tôi cảm thấy cơm gà Đông Nguyên ngon hơn, ngon bởi nước chấm quá sức tuyệt vời. Với tôi, nước chấm ngon có thể cứu cánh mọi thứ. Tôi thích nước mắm được pha sền sệt như ở Đông Nguyên chứ không lỏng lẻo như nước mắm thông thường. Canh tóc tiên của Đông Nguyên cũng rất ngon và thơm. Lúc trước cũng rất ngại khi ăn tóc tiên hay rong biển vì sợ tanh, nhưng khi đã nếm thử một lần tại Đông Nguyên rồi thì những món canh đó lại nằm trong danh sách những món ăn yêu thích của tôi.
Cơm gà luộc
Cơm gà quay
Xá xíu
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/com-ga-dong-nguyen
Coconut & Pumpkin
Cạnh cơm gà Đông Nguyên là một quán ăn vặt nhỏ mang cái tên khá Tây trên con phố người Hoa và lúc nào cũng tấp nập thực khách đến thưởng thức hay nhộn nhịp người mua mang về. Thực đơn của quán đa dạng, và món đặc biệt của quán là bánh flan bí đỏ, flan dừa hay thạch dừa sầu riêng thơm ngọt và béo ngậy. Ngoài ra, vào dịp Trung Thu này, quán còn phục vụ bánh trung thu rau câu ngon miệng và đẹp mắt.
Bánh flan bí đỏ
Rau câu trái dừa
Bánh flan sầu riêng
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/coconut-pumpkin-cafe-an-vat-chau-van-liem
Chè Tàu
Các loại chè Trung Hoa có một chỗ đứng nhất định trong lòng thực khách Sài Gòn từ rất lâu. Ở khu quận 5, chỉ cần nhắc đến chè của người Hoa là nhớ ngay đến các quán như Hà Ký, Thanh Tâm hay chè Nhà Đèn. Đặc trưng của chè Hoa phải kể đến chè mè đen béo ngậy, hột gà trà thơm mát, sâm bổ lượng thanh nhiệt, cao quy linh Quảng Châu tốt cho sức khỏe, chè tuyết giáp bồi bổ cơ thể, v..v..
Chè mè đen
Hột gà nước trà
Chè bạch quả nấm tuyết
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody:
Chè Nhà Đèn: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/che-nha-den-che-nguoi-hoa-khu-den-nam-ngon
Chè Thanh Tâm: http://www.foody.vn/thuong-hieu/che-thanh-tam
Chè Hà Ký: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/che-ha-ky
Lẩu Cá Dân Ích
Nếu muốn đi ăn lẩu cá, chỉ nên tới Dân Ích, thật sự là như thế. Chỉ cần nhìn mật độ khách ra vào của quán vào buồi chiều tối là có thể hiểu được sức hấp dẫn và sự thơm ngon từ món lẩu cá tại đây như thế nào. Đôi khi chính tôi cũng phải chờ rất lâu mới có bàn ngồi và thưởng thức nồi lẩu cá tươi ngọt nghi ngút khói. Cũng tại đây, lần đầu tiên tôi biết cách ăn bánh quẩy cùng lẩu, thứ mà trước giờ tôi nghĩ rằng chỉ có thể dùng riêng vào buổi sáng cùng sữa đậu nành hay thông thường là thưởng thức cùng với cháo. Chỉ cần dùng bánh quẩy chấm vào nước lẩu cá ngon ngọt đậm vị, đưa đũa gắp một ít mì hay bún gạo, sau đó gắp một vài miếng cá tươi chấm vào nước mắm đưa vào miệng là có thể cảm nhận ngay được sự khác biệt khó quên từ hương vị tuyệt hảo.
Lẩu cá thập cẩm
Con tôm rất tươi và to
Tham khảo thêm chi tiết trên Foody: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/dan-ich-chau-van-liem
Tham khảo thêm các địa điểm ăn ngon tại Phố Lồng Đèn: http://www.foody.vn/ho-chi-minh/khu-vuc-quan-5/tren-duong-luong-nhu-hoc
Cho dù mọi người chọn lựa một ngày Tết Trung Thu đoàn viên bên gia đình hay đi dạo, ăn uống, thưởng lãm phố đèn lồng cùng bạn bè thì Tết Trung Thu vẫn là một dịp để thể hiện tình cảm ấm áp dành cho nhau, cùng tận hưởng một ngày rằm tháng tám trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
Song & Phương Trâm - Foody.vn