Theo quy luật, mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, chỉ có lúa gạo vẫn tồn tại hàng ngày trên mâm cơm của mỗi gia đình, gắn kết với ruộng bậc thang Sapa trĩu nặng lúa vàng, biểu tượng của sự phồn vinh và no ấm, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của chị Isabelle Nguyễn. Vì thế chị đã quyết định chọn hình ảnh cánh đồng lúa vàng làm chủ đạo cho Logo chuỗi Chào Em Bistro, trên cánh đồng lúa ấy thấp thoáng chiếc nón lá, hình ảnh thân thương của Việt Nam trải rộng trên suốt chiều dài hình chữ S.
Vốn là một nghệ sĩ Việt Nam trước năm 75, sinh ra tại Nam Định, lớn lên tại Hà Nội và có thời gian dài sống tại Sài Gòn, rồi đi rất nhiều nước trên thế giới, chị Isabelle Nguyễn cảm nhận Việt Nam bằng trái tim của một nghệ sĩ giàu cảm xúc, bằng một tình yêu sâu lắng của người phụ nữ giàu trải nghiệm. Chị luôn nói: “Việt Nam có giang sơn cẩm tú, không nơi đâu đẹp bằng nơi này”. Bằng chữ “Duyên” và “Nợ” với quê hương, chị ngược xuôi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm, khám phá, và tích cóp chất liệu cho ước mơ của mình. Chị cùng với những người bạn thân là MC Kỳ Duyên và ca sĩ Thanh Hà,… gói ghém tất cả tình yêu trong hai chữ “Chào Em!” ấy!
“Chào Em!” – âm điệu ánh lên một Việt Nam ổn định, yêu chuộng hòa bình, con người thân thiện, văn hóa giàu bản sắc và nền ẩm thực phong phú – được chị Isabelle Nguyễn chắt chiu từng chút một. Không gian nhà hàng được trang trí bằng những chất liệu phổ biến của mọi vùng miền Việt Nam như mây, tre, lá nứa, lục bình,… Chị cất công tìm đến tận làng gốm sứ Bát Tràng, cùng trực tiếp làm việc với một họa sĩ làng gốm để khắc họa bản sắc Việt lên từng món chén, đĩa, bình, tách,… sử dụng riêng cho nhà hàng. Chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy hình ảnh vùng quê Bắc bộ như đình làng, hồ bán nguyệt, tiểu đồng vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo, thả diều, chợ xổm đầu làng, cô hàng xén diệu đà chiếc quang gánh, cả chiếc kiệu của chàng trai “về làng vinh quy bái tổ”,… trên nền men màu xanh lá cây của bộ chén, dĩa, ly tách của nhà hàng “Chào Em Bistro”.
Đặc biệt, thực đơn của nhà hàng “Chào Em Bistro” được chị chọn lọc và thực hiện theo đúng chất thuần Việt, mang tính địa phương cao, không hề lai tạp. Điều thú vị trong gu ẩm thực của chị là món ngon để trải nghiệm về văn hóa vùng miền của Việt Nam. Dù ăn phở ngay tại Sài Gòn, nhưng sẽ ngon hơn nếu phở được nấu đúng vị Nam Định, quê hương của phở, giống như mỗi con người chúng ta hiểu đúng về nguồn cội của mình để nói với bạn bè quốc tế và đúng cái chất Phở truyền thống đã được kênh truyền hình quốc tế CNN bầu chọn là món ngon nhất (2011)… Mỗi món ăn tại “Chào Em Bistro” là một thông điệp về con người và văn hóa vùng miền Việt Nam gửi đến thực khách. Hơn thế nữa, rau, củ, quả sử dụng chế biến món ăn của nhà hàng đều mua từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (Organic) hoặc theo tiêu chuẩn VietGap với tiêu đề: Delicious-Organic-Healthy vì vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng phải được ưu tiên hàng đầu.
Từng là thành công với nhà hàng Phố Xưa, nơi vinh dự đón tiếp Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton và vợ - cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2000, chị Isabelle Nguyễn lại tiếp tục với những đam mê đầy duyên nợ với “Chào Em Bistro”. Lần này, đam mê của chị không giới hạn trong khuôn khổ Việt Nam nữa, chị Isabelle Nguyễn và những người bạn còn lên kế hoạch mang âm điệu của “Chào Em!” đến nhiều quốc gia như Nhật, Mỹ, Châu Âu,… Rồi đây bạn bè quốc tế sẽ không chỉ biết món ngon chất Việt mà còn biết đến câu ca dân gian “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân,…”, biết đến đời sống Bắc Bộ Việt Nam qua dòng tranh Đông Hồ, chiếc nón lá duyên dáng, và những điểm đến tuyệt đẹp của Việt Nam.
Slogan “We make every dish with passion” như một lời cam kết với thực khách khi đến với “Chào Em”, chị tin tưởng mãnh liệt chuỗi “Chào Em Bistro” sẽ sớm là một dấu ấn trên bản đồ một số nước trên Thế giới.
Bên bức tranh với nụ cười hồn nhiên tươi sáng của các em trên cánh đồng Tam Giác Mạch. Chị chia sẻ: Cuôc sống vốn đã đầy ắp suy tư… chúng ta cần nụ cười và “Chào Em” nhiều hơn là toan tính.