Cũ kỹ, yên tĩnh, đầy hoài niệm và đặc biệt là xa rời thế giới ảo - đó là cảm giác mà những quán cafe này mang tới giữa một Sài Gòn náo nhiệt.
Tôi thấy ở Sài Gòn người ta hay "Đưa nhau đi trốn". Đi trốn cái ồn ào, chật chội, đôi khi là trốn tránh cái hiện thực mệt mỏi và khốc liệt trước mắt. Đất chật người đông, thật khó tìm cho mình một khoảng trống để nương náu, thật khó tìm cho mình chút tĩnh lặng để lắng nghe lòng mình.
Cũng như bao người khác, tôi quay cuồng với bài vở, với công việc, với những mối quan hệ nhiều ràng buộc. Một chuyến đi đâu đó, dù gần cũng cần nhiều tính toán, căn ke. Vì vậy, những lúc hoang hoải, tôi chọn cách "trốn" ngay trong lòng Sài Gòn, trong những quán cà phê cũ kĩ ấm mùi thời gian. Không ồn ã, náo nhiệt, không những mảng màu tươi sáng rực rỡ, không những cô nàng xinh xắn, đáng yêu và đôi khi không cả điện thoại, laptop. Chỉ có những người bạn, những câu chuyện, những mảng kí ức đẹp và một món nước thật ngon để bạn nhâm nhi. Hoặc là một chút lặng im, để bạn mải miết đọc một cuốn sách đã mua từ lâu…
Nếu bạn cũng thích những thứ này, nếu bạn muốn tới một nơi cho bạn cảm giác rằng bạn đang trở về nhà, hoặc nếu bạn đã quá chán ngán những quán cafe theo concept "VSCO cam" ngập tràn Instagram hiện nay, thì hãy theo chân tôi.
1. Cà phê Sài Gòn Út Lành
Giữa phố Tây náo nhiệt và ồn ã với những biển hiệu rực rỡ sắc màu bằng tiếng Anh, tiếng Tàu, tấm biển hiệu của Út Lành giản dị và thô mộc đến nỗi ai đi qua cũng phải ngoảnh lại nhìn và mỉm cười. Mỉm cười vì nó Sài Gòn quá! Vì nó Việt Nam quá, không lẫn đi đâu được. Và đúng như ấn tượng ban đầu, đây là một quán cà phê rất Việt Nam! Những chiếc bàn gỗ trải khăn bàn nilon họa tiết đầy màu sắc, với gạch hoa, với những tấm phản gỗ, những chiếc rổ nhựa và những chiếc chảo bị đen đáy, cái ti vi trắng đen trên tủ sập gỗ đều gợi lên một không gian Sài Gòn xưa cũ, thân thuộc.
Hình như ở Út Lành, người ta siêng trò chuyện với nhau hơn, vì quán không có wifi, và vì trong không gian này, thật thích hợp để hàn huyên chuyện cũ. Quán còn dễ thương đến mức có quy định ai không dùng điện thoại sẽ được giảm giá 5k nữa cơ.
Kem chuối.
Tôi, dù đến Út Lành bao nhiêu lần, những câu chuyện của tôi và bạn đều bắt đầu bằng "Ngày xưa…"’ . Vì ở đấy có mì trẻ em, thứ mì mà ngày xưa chúng ta hay chia nhau ăn trước cổng trường; có kem chuối với đậu phộng và dừa ngày xưa mẹ ta hay làm, có sữa chua bịch, có bánh men, có tuổi thơ của ta ở đó. Thế là những câu chuyện êm ấm thời thơ ấy bên cha mẹ, bên mái trường cứ thế được kể ra, để lòng vui, và bình tâm hơn…
Tham khảo chi tiết tại đây:
2. Tiệm cà phê 81
Ở ngay con đường Trần Quang Khải tấp nập và đông đúc, bạn phải để ý một chút mới thấy được con đường Nguyễn Văn Nguyễn nhỏ và khuất như một con hẻm. Tiệm cà phê 81 ở đây, mà khi bước vào ai cũng phải thốt lên: "Không thể tin được ở Sài Gòn có một nơi thế này". Tiệm cà phê 81 giống một căn nhà nhỏ trong kí ức mà ai đó đã ngẩn ngơ bỏ quên trong một góc của Sài Gòn. Đến nỗi vừa bước chân vào quán, tôi đã nhớ ngay đến cảnh mẹ tôi ngồi khâu áo ở góc này, ba đang xem thời sự ở phòng khách và tôi, một cô gái nhỏ, đang chạy vòng quanh…
Và quả thật, góc nào của quán cũng rất đỗi thân thương, rất đỗi dịu dàng với những chiếc phích (bình thủy) cũ, chiếc máy đánh chữ, cái cân, những mảng tường phai màu theo thời gian. Tôi thích đến "Tiệm cà phê 81" vào một buổi tối oi nồng, ngồi lặng im nghe tiếng quạt máy quay nhè nhẹ, ngồi im trong ánh sáng leo lét của những ngọn đèn dầu đã lâu còn không thấy ở Sài Gòn hoặc thì thầm khe khẽ với người bên cạnh.
Menu nước của quán cũng rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn phù hợp với không gian của quán, đặc biệt, nếu bạn không ưng ý với đồ uống, có thể bảo nhân viên pha lại. Nhân viên của quán đã viết hẳn một tờ cam kết cơ đấy!
Tham khảo chi tiết tại đây:
3. Năm mười mười lăm cà phê
Mới nghe tên quán ai cũng phải bật cười tự nhủ: "Chắc chủ quán thích chơi trốn tìm". Tôi không biết chủ quán có thích chơi không, nhưng quán thì đích thị như một khu vườn tuổi thơ mà đứa trẻ nào cũng đã lăn lê nghịch ngợm không biết chán. Tầng trên của quán ngập trong gió từ rặng tre bên cạnh, mùi thơm của một mảng lúa xanh rì, nơi rất thích hợp để bạn đọc một cuốn sách của Nguyễn Nhật Anh để ôn lại kí ức. Bạn cũng có thể bắt gặp của quán một mẩu tuổi thơ trong những câu đồng dao, thuyền giấy, bút máy, mực tím…
Một điều nữa tôi rất thích ở "Năm mười mười lăm" là cơm trưa đúng kiểu như người ta hay quảng cáo là "ngon như cơm mẹ nấu" ấy. Những món ăn quen thuộc như thịt kho tàu, cá kho, canh rau má, rau muống luộc được nấu rất đậm đà, hợp miệng, cơm được nấu bằng gạo dẻo và thơm. Không những vậy, thức ăn còn được bày trong những chén, dĩa gốm nhỏ xinh rất đáng yêu. Nếu đến quán mà không ăn thử cơm trưa thì thực sự là một điều đáng tiếc đấy!
Tham khảo chi tiết tại đây:
4. Lão Hạc quán
Khuất sau những rặng cây cộng với không gian khá nhỏ nên Lão Hạc quán mang đến cho người ta cảm nhận về một cái gác xanh xanh hơn là một quán cà phê.
Những hôm mệt mỏi, tôi thường leo lên đấy, gọi một chai bia, ngắm nhìn kênh Thị Nghè và tưởng tượng mình đang ở Hội An ngắm nhìn sông Hoài. Sự so sánh có vẻ khập khiễng nhưng không gian trầm buồn tĩnh lặng cũ kĩ của Lão Hạc quán dễ làm tôi nhớ đến không khí của phố cổ. Khách đến đây đa phần cũng như tôi, lơ đãng gọi một chai bia, nhâm nhi với món gì đấy rồi ngẩn ngơ theo mấy bài nhạc xưa đang phát.
Ở Lão Hạc, bạn cũng sẽ tìm được vài món "hay hay" như tào phớ, nước vối…đừng ngại thử một hương vị mới cho ngày cũ nhé!
Tham khảo chi tiết tại đây:
Theo Kenh14