Có thể bạn sẽ thích:
Thú vui tìm hiểu về ẩm thực không thể bỏ qua các loại bánh phong phú đa dạng. Có bao giờ bạn thắc mắc về tên gọi của các các loại bánh, có phải đơn giản chỉ là mô tả hình dáng hay còn nhiều điều đặc biệt khác nữa?
Tên gọi các loại bánh còn có thể bắt đầu từ cách thức chế biến hoặc theo tiếng địa phương. Hãy tìm hiểu một vài ví dụ tiêu biểu dưới đây.
1. Bánh bò
Bánh bò có xuất xứ từ phía nam Trung Quốc và phổ biến tại Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên bánh bò Trung Quốc không có dừa, một phần quan trọng trong bánh bò Việt Nam.
Chiếc bánh không có chân sao gọi là bánh bò, hình dạng tròn trịa cũng đâu giống con bò? Theo tìm hiểu, sở dĩ bánh có tên như vậy bởi có hình dáng giống vú bò. Tuy nhiên, giải thích được nhiều người đồng thuận hơn là trong quá trình ủ bột với men, bột sẽ nở ra, tự động "bò" lên vành tô nên mới có tên gọi độc đáo như vậy.
2. Bánh bông lan
Bánh bông lan không qua xa lạ với bất kì ai. Loại bánh ngọt này có xuất xứ từ Pháp. Trước đây bánh thường được pha thêm hương vani, vani được chiết hương từ một loại phong lan nên người Việt gọi là bánh bông lan.
Còn tại sao lại là bông lan chứ không phải hoa lan? Có lẽ bởi loại bánh được người Pháp phổ biến với người miền Nam trước, nên cái tên gắn với cách gọi của người miền Nam đã trở thành tên chung cho bánh.
Tham khảo thêm tại: Bánh kem – Bánh bông lan
3. Bánh xèo
Bánh xèo là loại bánh tiêu biểu của miền Nam, chiếc bánh vàng ruộm hấp dẫn với nhân tôm thịt, rau giá. Bánh xèo cuốn với rau thơm, bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Tên bánh được hiểu dân dã, giản dị, lấy từ chính công đoạn làm bánh: khi đổ bánh vào chảo, bột chín kêu "xèo xèo" nên người dân lấy đặc điểm ấy đặt luôn cho tên bánh.
Tham khảo thêm tại: Bánh xèo
4. Bánh gật gù
Bánh gật gù là đặc sản vùng Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo, khá giống với bánh bánh phở hay bánh ướt nhưng được cuộn tròn lại thành cuộn dài. Bánh ăn với nắm mắm ngon chưng mỡ gà, hành phi. Vì là bánh cuộn nên người ta hay dùng tay để ăn bánh. Khi cầm bánh ăn, bánh cứ gật lên, gật xuống vì sự đàn hồi giống như đang gật đầu nên được gọi là bánh gật gù. Nhưng có nơi người ta sau khi ăn bánh thì đầu gật gù đầu khen ngon nên từ đó bánh có tên là bánh gật gù.
5. Bánh cóng
Bánh cóng là cách gọi trại của bánh cống, là thứ bánh đặc sản của người Khmer rất được ưa thích ở miền Nam Bộ. Bánh có tên bánh cống do khuôn bánh có hình dạng giống như chiếc cống - một dụng cụ dùng để đong chất lỏng của các quầy tạp hóa ngày trước.
6. Bánh răng bừa
Bánh răng bừa thường được biết tới với tên gọi phổ biến hơn là bánh tẻ. Chỉ riêng người Thanh Hóa gọi là bán răng bừa bởi bánh có hình dạng giống cái răng bừa dùng trong công việc đồng áng.
Ngoài ra còn rất nhiều loại bánh được đặt theo hình dạng bánh như:
- Bánh quai chèo có hình xoắn, vặn thừng nhìn rất đẹp mắt. Có lẽ chính bởi hình dáng xoắn thừng giống dây quai chèo mà tên ấy được gắn liền luôn với bánh.
Bánh quai chèo có hình giống dây thừng vặn làm quai chèo
- Bánh cam: Bánh tròn xoe, màu vàng dễ liên tưởng tới trái cam chín. - Bánh bèo: Bánh mỏng manh giống chiếc lá bèo trên sông. - Bánh da lợn: Bánh dai, gồm nhiều lớp mỏng như phần bì lợn.
- Bánh tai heo: Cong, mỏng như chiếc tai heo.
…hoặc gọi theo cách chế biến bánh:
- Bánh kẹp: Đừng nhầm lẫn với các loại bánh "kẹp" thịt thông thường. Đây là tên loại bánh khá đẹp mắt, được nướng trong khuôn ép như cái kẹp nên bánh có tên bánh kẹp.
- Bánh đúc: Dùng bột lỏng thắng như thắng hồ rồi "đúc" lại thành cái bánh.
- Bánh đập: Bánh có lớp bánh tráng giòn ở ngoài, lớp bánh ướt ở trong, khi ăn phải “đập” cho bánh tráng vỡ ra, dính lấy lớp bánh ướt nên mới có tên gọi thú vị như vậy
Tham khảo thêm tại: Bánh đập
Bánh truyền thống Việt Nam còn vô số điều để khám phá, hãy làm giàu vốn kiến thức của bạn bằng cách tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về tên gọi các loại bánh phong phú khác nữa.
Nhện – Sưu tầm & Chỉnh sửa
Nguồn: Trí Thức Trẻ