Có thể bạn sẽ thích:
Bánh tráng cuốn thịt heo, bún mắm nêm, bún chả cá… là những món ăn bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm "thành phố đáng sống nhất Việt Nam".
1. Bánh tráng cuốn thịt heo
Món ăn này đã chinh phục được khá nhiều thực khách ở nhiều nơi khi đến với Đà Nẵng. Thịt heo được cắt đều mỗi miếng với thớ thịt vừa vặn cho mỗi lần cuốn, thêm vào đó là rau xanh mướt được cuốn cùng với xoài, dưa leo, chuối chat bùi vị. Món ăn này sẽ được chấm cùng với mắm cái hoặc mắm nêm mang đến mùi vị riêng đặc biệt. Rất đáng để thử!
Tham khảo thêm tại: Bánh tráng cuốn thịt heo
2. Mì quảng
Mì Quảng có ở cả nhà hàng đến các quán ăn dọc đường. Mỗi nơi có điểm cộng riêng. Song phần lớn du khách cho rằng mì Quảng quán vỉa hè thuần vị hơn. Lý do là các nhà hàng, quán lớn đã phải gia giảm ít nhiều để vừa miệng du khách mọi miền hay quốc tế.
Tham khảo thêm tại: Mì Quảng Đà Nẵng
3. Cao lầu
Cao lầu và mì Quảng có tạo hình khá giống nhau nên thường khiến gây nhầm lẫn trong thực khách. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra, trong món cao lầu, những cọng mì được chiên giòn. Sự thay đổi này khiến món ăn béo, thơm và đậm đà hơn.
Tham khảo thêm tại: Cao lầu
4. Bánh xèo
Bánh xèo Đà Nẵng thường được cho thêm lòng đỏ trứng để tạo độ giòn, béo. Nước chấm không phải loại pha chua ngọt mà được làm từ gan heo và đậu phộng xay.
Tham khảo thêm tại: Bánh xèo
5. Bánh canh
Bánh canh do người Đà Nẵng nấu tại mảnh đất này luôn cay, ngọt. Nếu bạn thích cảm giác trơn tuột của những cọng bánh trong miệng, bánh canh bột lọc là lựa chọn thích hợp. Song nếu bạn thích nước dùng sền sệt, những cọng bánh canh dài, ngắn khác nhau, bánh canh gạo là món bạn nên gọi.
Tham khảo thêm tại: Bánh Canh
6. Bún mắm nêm
Bún mắm nêm là món ăn quen thuộc với người Đà Nẵng nói riêng và người miền Trung nói chung. Nguyên liệu gồm thịt heo luộc thái mỏng, rau sống. Điểm nhấn của món ăn là mắm nêm đủ vị chua cay thơm đậm.
Tham khảo thêm tại: Bún mắm Đà Nẵng
7. Bánh đập
Bánh đập hay bánh dập là một biến tấu của bánh tráng nướng. Món này có hai lớp lá - bánh tráng nướng và bánh tráng mỏng (thường được đặt lên trên bánh tráng nướng khi vừa tráng xong). Bánh đập chấm cùng mắm nêm, hay mắm cái mỡ hành, pha vừa miệng.
Tham khảo thêm tại: Bánh đập
8. Bún chả cá
Bún chả cá có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung, nhưng tại Đà Nẵng, món ăn này vẫn có một hương vị rất riêng. Theo nhiều người, đó là vị thanh của nước dùng, thoảng hương thơm rau củ, hoặc chén ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường.
Tham khảo thêm tại: Bún chả cá
9. Bún cá
Bún cá: Ngoài việc xay cá làm chả, người Đà Nẵng cũng thích kho rồi dùng kèm bún. Loại cá thường dùng trong món ăn này là cá cam, cá cờ hay cá thu.
Tham khảo thêm tại: Bún cá
10. Gỏi cá
Gỏi cá có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon nhất là làm từ cá trích. Những lát cá này được ép cho ráo nước mới ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Xương cá hầm trên lửa lớn thành nước cốt. Cho nước mắm, ớt, bột năng, bột ngọt vào nước cốt sẽ tạo thành món chấm đặc trưng của món ăn. Gỏi cá ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng nướng.
Tham khảo thêm tại: Gỏi cá
11. Bánh bèo
Bánh bèo tại Đà Nẵng có 2 loại là bánh bèo tai (khi bán được sắp sẵn trên đĩa), và bánh bèo chén (được đúc sẵn trong chén nhỏ). Hai loại bánh này chỉ khác nhau cách trình bày, còn nguyên liệu, cách chế biến nhân giống nhau. Nhân bánh được làm từ tôm, cá ướp sấy khô (gọi là ruốc) - một hỗn hợp có màu đỏ, sánh mịn được chế biến từ thịt, nấm mèo, ăn kèm mắm ớt pha cay.
Tham khảo thêm tại: Bánh bèo
12. Bê thui Cầu Mống
Bê thui Cầu Mống hay bò tái Cầu Mống là món phổ biến như mì Quảng. Có được điều này là nhờ kỹ thuật thui bê bí truyền. Dùng kèm bê thui là các loại rau thơm và chén mắm cái nguyên con pha cay.
Tham khảo thêm tại: Bê thui Cầu Mống
13. Mít trộn - Ốc hút
Mít trộn được chế biến khá đơn giản. Mít non luộc chín, cắt thành những miếng nhỏ. Thịt ba rọi luộc chín, hoặc tôm luộc bóc vỏ. Trộn mít, thịt ba chỉ, tôm, mắm, tỏi, ớt, bột ngọt. Khi ăn, thêm ít đậu phộng, hành phi. Món này ăn kèm bánh tráng nướng.
Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng… đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.
Tham khảo thêm tại: Ốc hút – Mít trộn
Nhện – Sưu tầm & Chỉnh sửa
Nguồn: Zing