Cua Hoàng Đế hay cua Huỳnh Đế là loài hải sản quý hiếm tập trung chủ yếu ở các vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ. Tên gọi của loại cua này có cả một câu chuyện rất thú vị được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền dưới triều Nguyễn, trong lúc vua quan đang cùng đi du ngoạn ở vùng biển đảo thì thấy ngư dân bắt được loài cua lạ, con cua to bằng trái dừa, vỏ màu đỏ hồng như chiến bào, nửa giống tôm nửa lại giống cua. Vua thấy thế bèn ăn thử , nào ngờ càng ăn càng thấy ngon, tinh thần phấn chấn, khỏe mạnh, kể từ đó vua ra lệnh phải tiến cống loài cua này vào cung liên tục. Dân gian gọi là cua Hoàng Đế, sau này để tránh phạm húy đã đổi tên lại là Huỳnh Đế.
Hình dạng đặc biệt của cua Hoàng đế ( Nguồn ảnh: Zingnews )
Loài cua đặc biệt này chỉ sinh sống ở vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh như Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Phan Rang (Ninh Thuận). Cua huỳnh đế vùng Tuy Phong, Bình Thuận nằm trong hệ sinh thái nước trồi giàu dinh dưỡng và ngon hơn cả. Thời điểm loài cua này sinh trưởng và sinh sản nhiều nhất là vào cuối đông đầu xuân, từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Thông thường trong thời gian này, vùng biển Nam Trung Bộ trở gió nồm, êm sóng, khuyến khích loại cua "vua" sinh sản và đi tìm thức ăn. Thịt cua Hoàng đế mùa này ngon nhất và có đầy gạch cua béo ngậy. Thậm chí có những chú cua ở vùng biển nước sâu còn nặng tới hơn một kí lô. Cua Hoàng đế được bắt bằng chính tay những người thợ lặn hoặc dùng bẫy rập từng con. Rập "bẫy" cua Hoàng đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ngư dân khi ra khơi phải thả đến hàng trăm cái bẫy rập nối với nhau bằng một sợi dây dài hơn 1000 mét nhưng cũng chỉ bắt được vài chục chú “vua” cua một lần. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ ngư dân hành nghề đánh bắt loại hải sản đặc biệt này. Do đặc điểm sinh sống ở những vùng biển nước rất lạnh, sâu từ 200 - 400m và chỉ xuất hiện vào những ngày biển động hoặc mùa xuân nên việc săn bắt loài cua này khó khăn và nguy hiểm. Chính bởi sự khó khăn trong việc đánh bắt và sự kén chọn điều kiện sống mà loài cua này trở nên ngày càng quý hiếm, sánh ngang hàng với các loại tuyệt phẩm như cá hồi đỏ, cá tuyết đen, tôm hùm.
Ngư dân đánh bắt cua Hoàng đế ( Nguồn ảnh: Zingnews)
Cua Hoàng đế có hình thù độc đáo, mặc dù được gọi là cua nhưng nó khác hẳn các loài cua thông thường khác ở chỗ, ngoài 2 càng như cua thông thường, nó chỉ có 6 cẳng chứ không phải “8 cẳng 2 càng” như dân gian vẫn thường hay nói. Ngoài ra, yếm của cua Hoàng đế khá dài và không quặp vào bụng như cua thường mà cứ để dài như đuôi tôm, bởi vậy nhiều người còn gọi cua Hoàng đế là loài “đầu cua đuôi tôm”. Đầu cua lớn nhiều râu, mai suôn hơi dài hình quả táo, khác hẳn so với mai các loại cua thông thường. Hương vị của loài cua “vua” này vô cùng thơm ngon, thịt chắc, ngọt và đặc biệt nếu là cua gạch thì gạch rất chắc, thơm và béo ngậy, ngon hơn hẳn gạch cua thường. Cua Hoàng đế được đánh giá là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm, ngon và bổ. Các thớ thịt cua đều săn chắc, trắng muốt và có độ đạm cao. Với thành phần dinh dưỡng phong phú, thịt cua không chỉ có hàm lượng protein, canxi, phospho, sắt và các vitamin A, B1, B2, C… ở mức cao, mà còn chứa một lượng lớn calcium, magnesium và axit béo omega 3 rất tốt cho tim mạch. Khoa học đã chứng minh thịt cua Hoàng đế có tác dụng thanh nhiệt, sinh huyết, giảm đau, bổ xương tủy và đặc biệt tốt cho những người làm việc trí não ở cường độ cao.Ngoài ra loài cua này còn có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới, đặc biệt hiệu quả khi cua được chế biến lúc còn tươi sống, đang bơi.
Cua Hoàng đế nhất thiết phải tươi sống chế biến mới ngon, thịt cua mới chắc ngọt. Đối với những loại cua ngon, cách chế biến tốt nhất là hấp hoặc luộc rồi chấm muối tiêu và ớt xanh (loại ớt hiểm chỉ có ở miền Trung và Nam Bộ). Cách chế biến này sẽ giúp giữ nguyên được hương vị tươi ngon của cua, thực khách có thể thưởng thức được hết độ ngọt, dai và chắc của thịt cua tươi. Cách thứ hai là đem rang me, rang gỏi, rang muối hoặc nướng, hương vị sẽ đậm đà hơn nhưng đây là loài cua có vỏ rất dày và cứng nên muối hay sốt me cũng chỉ có thể bám ở bên ngoài vỏ cua chứ không thể ngấm vào trong thịt. Hơn nữa nếu đầu bếp chế biến không khéo léo sẽ dẫn đến tình trạng vỏ cua bị cháy còn bên trong thịt vẫn sống nguyên. Để đỡ bất tiện khi chế biến cua theo cách này, đầu bếp thường phải chặt đôi con cua, phần thịt vì thế bị mất nước nên giảm độ thơm ngon. Cách chế biến thứ ba là gỡ lấy thịt và gạch cua, phi hành thơm rồi đem nấu cháo. Bát cháo với thịt cua trắng phau, quện với lớp gạch hồng và ánh vàng của gạch cua phi thơm ăn rất ngọt béo và vô cùng bổ dưỡng.
Cách chế biến cua Hoàng đế ngon nhất là hấp ( Nguồn ảnh: Trangtraiviet)
Theo những người kinh doanh cua Hoàng đế bắt được ở vùng biển nước ta, giá bán loại cua này khoảng hơn 500.000 đồng/kg, trái mùa khoảng 700.000- 800.000 đồng/kg. Cua Hoàng đế là loại cua tự nhiên, khó đánh bắt nên rất hiếm và chủ yếu chỉ có dân địa phương hay những người sành ăn mới biết. Đây quả thực là một tặng vật quý giá biển cả ưu ái dành tặng cho con người Việt Nam.
Cú Béo - FoodyHaNoi