Vào những ngày này, không khí lễ hội đang rộn rã trên xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hàng năm, ôn lại lịch sử oai hùng và chiến công oanh liệt của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.
Không chỉ có bà con dân đảo, những người đi làm ăn xa háo hức trở về, mà còn có rất nhiều khách du lịch cũng hào hứng về đây tham gia lễ hội.
Lễ hội Vân Đồn được tổ chức nhằm khắc họa không gian hồi cố lịch sử về sự kiện quân dân thời nhà Trần dưới sự chỉ huy của Phó tướng Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của triều đình nhà Nguyên mùa xuân năm 1288 tại luồng Sông Mang, địa danh Vân Đồn xưa (đảo Quan Lạn ngày nay).
Theo cổ lệ, lễ hội diễn ra trong 10 ngày ( từ 10 đến 19-6 âm lịch). Khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng râm ran chuyện hội làng. Con cháu trong làng đi xa đều về tề tựu đông đủ.
Bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng 6 (âm lịch) treo cờ thần khóa làng, tiếng trống thu quân được đánh lên ở trung tâm lễ hội, báo hiệu có giặc xâm phạm bờ cõi Tổ quốc. Do vậy, theo tục lệ trước đây, ngày khóa làng người dân trên đảo không được đi ra khỏi làng. Làng đảo phân chia làm 2 giáp: Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, tự chấm quân phong tướng. Từ ngày 12 đến ngày 15, quân sỹ hai bên tập luyện. Đến ngày hội rất sôi động với các đội tế khắp nơi trong huyện, trong tỉnh có mặt từ rất sớm để vào lễ, tế thần tại ngôi chùa làng Giếng.
Ngày 16 tháng 6 âm lịch, buổi sáng hai bên tướng quân văn võ tập trung ngoài đình làng cùng các vị chức sắc, đông đảo nhân dân, các tăng ni phật tử ở khắp nơi về dự hội, làm lễ rước kiệu lên đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, cung nghinh chân linh bài vị cụ về Đình, đi theo sau là hàng nghìn người cầu kinh niệm phật, tỏ lòng thành kính.
Ngày 17-6 âm lịch, hai bên tướng quân dựng doanh trại đóng quân, nghỉ ngơi, bàn bạc kế hoạch tác chiến và chuẩn bị hậu cần phục vụ cho ngày 18. Buổi tối có các chương trình văn hoá văn nghệ. Đêm 17 hầu như cả làng không ngủ, chờ đến canh 2 vào 2h sáng dự tiếng trống thu quân.
Sang ngày 18-6 các hoạt động giao lưu văn nghệ, múa rồng lân, thi các trò chơi dân gian như kéo co, đánh vật, cờ người diễn ra sôi nổi... Cùng ngày tướng sĩ cùng nhau khua chiêng, đánh trống diễu hành quanh làng để thể hiện uy lực cùng khí thế chiến đấu sục sôi.
Phần đặc biệt hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa chính là cuộc thi bơi chải (người dân địa phương gọi là chèo bơi) của hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, nhằm tưởng nhớ lại chiến thắng năm xưa.
Khoảng 3h-4h chiều hai bên bắt đầu xuất phát (thường lúc này nước dâng cao sát bến trước mặt Đình). Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước đình, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.
Trước cuộc đua, hai bên tập trung trước sân khấu ngoài trời cạnh bến Đình để nghe thông báo về thể lệ cuộc đua và những lời động viên của các cấp chính quyền, lãnh đạo xã, huyện.
Trong tiếng reo hò náo nhiệt, tưng bừng khí thế, quân tướng hai bên sẽ xuống thuyền.
Đặc biệt, trước lúc bắt đầu thi đấu dưới biển có đoạn hai tướng quân đứng trước mũi thuyền rồng rao cho mọi người biết lý do ngày hội, nhắc nhở cho mọi người trên làng đảo thờ 5 vị nhân thần, cầu cho dân làng khoẻ mạnh, đất nước bình an… Lời rao như lời hịch - một hình thức bố cáo phổ biến phù hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ.
Những người dân địa phương và du khách hào hứng đổ ra xem dọc bến Đình, đứng đầy các con thuyền gác mái gần bờ, thậm chí trèo lên các cây cao, các mái nhà xung quanh để dõi mắt ra xa để xem, cờ quạt, trống mõ được huy động tối đa...
Cuộc đua tài dưới biển khoảng một tiếng rưỡi.
Thuyền của đội nào đến chạm vào cờ đích trước và khi quay đầu xong cướp được cờ quay trở về bến trước là đội thắng cuộc.
Tướng của đội thắng cuộc thường được kiệu lên bờ rồi công kênh vào đình báo công trong tiếng reo hò nồng nhiệt của dân và tiếng chiêng trống chúc mừng, sau đó được kiệu lên sân khấu nhận giải thưởng và quay về cùng và con tổ chức ăn mừng.
Người ta vẫn thường nói, hội chèo bơi là biểu tượng cho tinh thần thượng võ quyết chiến, quyết thắng của người dân vùng sông nước Vân Đồn nhưng có đến xem lễ hội, tận mắt chứng kiến không khí nơi đây với sự hào hứng của cả người chèo và người cổ vũ mới cảm nhận rõ điều đó.
Lễ hội ''chèo bơi'' ở Quan Lạn có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng đảo Vân Đồn, quy tụ nhiều giá trị nhân văn, thấm đẫm tinh thần thượng võ, gắn liền với mảnh đất, con người, nền văn hoá đặc trưng ở một vùng biển đảo, thực sự là một di sản văn hóa quý báu cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Đến với Quan Lạn, các bạn không chỉ được hòa mình vào trong khí thế sôi sục, hào hùng của lễ hội mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, những bãi biển đẹp cùng những bãi cát trắng mịn trải dài không đâu có được. Các bạn có thể tham khảo thêm về vẻ đẹp hoang sơ của Quan Lạn trong bài viết dưới đây:
http://travel.foody.vn/bai-viet/kham-pha-hai-bai-moi-dep-den-nao-long-o-dao-quan-lan-5405
Với những du khách ở xa, để đến được Quan Lạn, các bạn có thể đi xe khách đến chợ Cửa Ông (Cẩm Phả), sau đó bắt taxi ra bến cảng Cái Rồng (tiền taxi mất khoảng gần 100.000Đ từ chợ Cửa Ông tới Cảng)
Từ đây các bạn mua vé tàu cao tốc ra đảo Quan Lạn. Giá vé hiện tại là 150.000Đ/ người (1 chiều đi).
Mất khoảng 1h chạy tàu từ Cái Rồng ra Quan Lạn. Sau khi cập bến cảng Quan Lạn, các bạn có thể thuê xe túc túc để vào trung tâm (cách cảng chừng 1km). Giá xe túc túc khoảng 30.000Đ/ người.
Lễ hội diễn ra ngay tại trung tâm xã Quan Lạn. Chúc các bạn có một hành trình vui vẻ và ý nghĩa.
Khanh Vu (Thực hiện).