Tết té nước là một trong những lễ hội văn hoá truyền thống của các nước Đông Nam Á. Người Lào gọi là Bunpimay, người Thái Lan gọi là Songkran, người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey và người Myanmar gọi là Thingyan.
Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Người dân mang hoa tươi, đồ lễ lên chùa nghe giảng kinh từ sáng sớm, rồi thực hiện nghi thức tắm Phật, cắm cờ hoa lên bảo tháp bằng cát và đổ ra đường phố, lấy nước tạt nhau chúc mừng năm mới.
Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13-15/4 hàng năm.
Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Họ dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ, té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... những người càng được té nhiều nước càng may mắn.
Tiếp đó là Wan Nao - ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam. Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già, tổ tiên và rắc nước thiêng.
Songkran là Tết mọi người nghĩ tới người đã khuất nên họ thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên rồi tiếp đó mới vui chơi thỏa thích.
Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Lễ hội còn diễn ra hoạt động té nước cùng người đẹp. Các cô gái tham gia khoác trên mình những trang phục lễ hội chim công, chim phượng và múa các điệu dân gian độc đáo. Vào dịp này, người dân ở Thái ai nấy đều náo nức, treo đèn trang trí, nhà nhà tưng bừng ánh điện, phố phường đông vui, náo nhiệt.
Trong thời điểm này, khắp Campuchia cũng tưng bừng lễ đón năm mới – Tết Chol Chnam Thmay kéo dài 3 ngày (13 – 15/4 hàng năm). Không khí náo nhiệt, đèn hoa sáng rực từ các ngôi chùa kéo dài đến các nẻo đường dẫn đến Hoàng Cung. Thủ đô Phnôm Pênh treo đèn kết hoa lộng lẫy. Người dân và du khách đổ ra đường tham gia vào các hoạt động lễ hội đường phố lễ té nước, bôi bột màu…Tết cổ truyền Campuchia đặc biệt nhất là các điệu múa Apsara quyến rũ, cùng các món ăn truyền thống đậm hương vị Khmer dùng chung với rượu thốt nốt thơm lừng.
Tết truyền thống của Myanmar có tên gọi là Tết Thingyan. Theo truyền thống, thời điểm diễn ra Tết Thingyan được tính theo âm lịch Myanmar, nhưng ngày nay được ấn định từ ngày từ 13 đến 16 tháng 4, trùng vào dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây. Tết Thingyan là một ngày lễ quan trọng nhất và té nước là một phần đặc trưng nhất của lễ hội này và thường diễn ra vào 4 ngày đầu tiên của kỳ lễ.
Tết Bunpimay ở Lào diễn ra từ 13 đến 15/4 hằng năm. Đây là Tết theo Phật lịch vì ở Lào, đạo Phật từ lâu đã trở thành quốc đạo.
Tết Bunpimay diễn ra trong 3 ngày. Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người ta quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.
Rốt
Foody.vn