Mùa xuân là mùa có rất nhiều lễ hội rộn ràng diễn ra trên khắp cả nước, lễ hội mùa xuân là dịp mọi người cầu mong điều may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình.
1. Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)
Được xem là một trong những lễ hội lớn đầu xuân diễn ra và giữa tháng giêng âm lịch và được rất đông người tham dự.
Lễ hội chùa Hương kéo dài từ 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch và chia thành 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra khá đơn giản, đa phần là các hoạt động tính ngưỡng như: thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện cho gia đình, công danh sự nghiệp. Phần hội là phần diễn ra náo nhiệt và tấp nập nhất, vào những ngày diễn ra phần hội, có hàng trăm thuyển xuôi ngược, với các hoạt động như bơi thuyển leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …
2. Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)
Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Hàng năm, tới dịp lễ hội, hàng nghìn du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hăm hở leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng
Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng. Trên đường đi chốc chốc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây mỗi nơi là một truyện cổ tích sâu lắng tình người. Lên đến đỉnh núi tựa như cổng trời, sau khi thắp nén nhang ai nấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục
3. Lễ hội Lim (Nội Duệ, Tiên Sơn, Bắc Ninh)
Diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng giêng), Hội Lim thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi nô nức đến dự hội Lim, với những làn điệu quan họ Bắc Ninh không khí đầu xuân thêm rộn ràng.
Hội Lim bao giờ cũng gồm 2 phần tách bạch: Lễ và Hội. Các làng Duệ Khánh, Đình Cả, Lộ Bao, Lũng Giang hội tụ thành một đoàn rước từ từ tiến vào trung tâm hội thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của đông hội. Đây là tâm điểm của phần Lễ, hoạt động tế lễ của các đoàn rước chính là chương trình khai hội thay cho lễ khai mạc như một số năm trước đây.
4. Lễ hội Làng Sình (Phú Vang, Thừa Thiên Huế)
Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội đấu Vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (TT-Huế). Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người bản địa, vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…
Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ
5. Hội Linh Sơn Thánh Mẫu ( núi bà Đen, Tây Ninh)
Hội Linh Sơn Thánh Mẫu hay còn gọi là lễ hội vía Bà Đen cử hành vào ngày 5.5 âm lịch. Song Hội xuân ở núi Điện Bà thu hút đông đảo khách hành hương lại là 3 tháng đầu năm, mặc dù lễ hội chính là Rằm đến 18 tháng Giêng.
Hội Vía Bà với các hoạt động tín ngưỡng như: lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 4 tại điện thờ, du khách đến thắp hương cầu nguyện và tham gia các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…).
Những nghi thức trong lễ hội núi Bà vừa có tính chất trang nghiêm của lễ thức Phật giáo, vừa mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian, chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, thể hiện rõ nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam bộ…
Trang Phạm (tổng hợp)
Theo Tin8