Với các bạn trẻ thích phượt thì những cung đường Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… Và trong khoảng một vài tháng trở lại đây, Bình Liêu (Quảng Ninh) đã và đang trở thành một trong những cung phượt mới siêu hấp dẫn trên các diễn đàn, group phượt, các tín đồ cuồng chân ham mê xê dịch bởi vẻ đẹp hoang sơ, đẹp đẽ của những cung đường tuần tra biến giới uốn lượn tuyệt vời. Đặc biệt là nơi check-in những “cột mốc thiên đường” của miền biên ải.
Vẻ đẹp của Bình Liêu được ví như Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh
Chỉ cách Hà Nội khoảng 350km. Hiện tại Bình Liêu là một điểm đến còn xa lạ với nhiều người ngay cả nhiều người đã sống lâu năm ở Quảng Ninh. Bình Liêu hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng, vẻ đẹp hoang sơ của vùng núi phía bắc, những thửa ruộng bậc thang cũng không kém đẹp như Mù Cang Chải, độ uốn lượn của những con đường cũng không kém hùng vĩ như Hà Giang...
Cùng tham khảo lịch trình phượt Bình Liêu 2 ngày tham khảo từ phượt thủ Hải Tiêu Dao:
Ngày 1 đi 278km: Hà Nội – Bình Liêu
- 6h Sáng: Hà Nội – Cầu Vĩnh Tuy – QL5 – QL1 hướng về Bắc Ninh gặp cầu 18 rẽ phải vào QL18A về hướng phả Lại – Sao Đỏ – Đông Triều – Hòn Gai – Cẩm Phả – Mông Dương gặp ngã 3 Tiên yên rẽ trái về hướng Hoành Mô khoảng 28km là tới Bình Liêu.
- 12h ăn trưa tại Bình Liêu
– Check các mốc dễ trước, đi mốc 1327 rồi về bản ngàn vàng, cầu treo Nà Làng/ Hoặc thay 1327 bằng Thác Khe Vằn.
– Về Bình Liêu Ăn Tối, đốt lửa trại, nếu có.
Ngày 2 về Hơn 300km: Bình Liêu – Lạng Sơn – Hà Nội
– 6h00: Ăn Sáng
– Check mốc 1305, sống lưng khổng long
– check mốc 1302, 1300 , 1297 (Đình Lập Lạng Sơn)
– Chạy theo đường biên giới hướng về lạng sơn
– Ăn trưa tại Lạng Sơn, nghỉ ngơi, dạo một vòng quanh Lạng Sơn rồi về Hà Nội.
– Kết thúc hành trình về Hà Nội lúc 20h.
Các điểm tham quan, khám phá tại Bình Liêu
Các điểm tham quan ở Bình Liêu
1. Cầu treo Nà Làng
Nằm ngay chợ Bình Liêu, Cầu treo Nà Làng nối bản Nà Làng với thị trấn Bình Liêu. Hiện nay thay cây cầu này đã xuống cấp chỉ cho phép đi lại bộ qua và thay thế đi lại bằng cầu Nà Cắp có thể đi lại bằng phương tiện ô tô, xe máy.
2. Bản Ngàn Chuồng
Bản Ngàn Chuồng còn sót lại vẫn giữ nguyên những ngôi nhà cổ xưa, thiết kế được xây dựng bằng gạch đất không nung, mái ngói âm dương cổ kính với kết nối của vữa đất.
3. Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn ban đầu là Khe Vân, dần dần, người dân nơi đây đọc chệch đi gọi là Khe Vằn. Thác có 3 tầng: Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng; Tầng thứ hai được chia thành hai dòng thác chảy (dòng thác bé và dòng thác lớn). Nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xoá; Tầng thứ ba, dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối. Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, thác Khe Vằn từng là nơi trai gái Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ. Các cuộc hát này thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội hát này gọi là Hội hát tháng ba và thường thu hút đông đảo cả nam, nữ dân tộc Sán Chỉ của xã Đại Dực (Tiên Yên) và các vùng lân cận. Không ít đôi đã nên duyên vợ chồng từ những ngày hội hát như thế.
Cách đi: Từ thị trấn Bình Liêu hỏi vào xã Húc Động ( khoảng 5-6km) vào thác Khe Vằn.
4. Đường tuần tra biên giới và check các cột mốc thiêng liêng
Đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển. Cung đường này đi qua núi non trùng điệp, qua những đồng cỏ thơ mộng và phong cảnh hữu tình chắn chắn sẽ làm say đắm bao kẻ lữ khách qua đây.
Men theo đồi núi, bạn sẽ thấy đường mòn nhỏ dẫn lên các cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ cột mốc mang số hiệu 1300 (4) đến mốc 1316 tại cửa khẩu Hoành Mô; trên đường đi du khách sẽ được ngắm cảnh quan thiên nhiên, núi non với nhiều hình dạng, độ cao đặc trưng trong khoảng 1000m (trong đó có núi Mã Thông Thuận và núi Mỏ Toòng là những dãy núi cao nhất trên biên giới Quảng Ninh), ngắm đồng cỏ với đặc trưng màu sắc theo từng mùa…
5. Sống lưng khổng long và cột mốc 1305
Cột mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu, Hoành Mô, là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa tỉnh này, cũng là nơi không dễ để có thể chạm tay vào. Nhìn vào bản đồ phía trên thì cho ta biết có nhiều cách để đi vào mốc 1305:
Cách 1: từ ngã rẽ mốc 61 và 68 ở bản Chuồng bạn rẽ phải về hướng mốc 68, từ mốc 68 bạn chạy dọc theo đường về Hoành Mô khoảng 5-6km gặp ụ đất bên phải và vạch chỉ hướng lên mốc 1305. Mốc này chưa có bậc thang để leo, bạn phải trekk băng qua sống lưng khổng long thời gian trekk nhanh nhất khoảng 2h hơn nếu gặp thời tiết đẹp.
Đỉnh núi cao vời vợi là nơi tọa lạc của cột mốc 1305
Cách 2: bạn xuất phát từ chốt biên phòng Hoành Mô, tại đây bạn hỏi lính biên phòng vào mốc 1305 chạy vào đường tuần tra biên giới như trên bản đồ.
Phong cảnh hùng vĩ tạo nên những bức ảnh “so deep”
Sống lưng khổng long là địa điểm check in cực kì ấn tượng trong suốt hành trình chinh phục cung đường Bình Liêu nói chung và cột mốc 1305 nói riêng. Đúng như tên gọi, con đường mòn nhỏ chạy dọc đường lên cột mốc 1305 đã tạo nên tấm lưng khủng long khổng lồ giữa núi non hùng vĩ, kì ảo.
6. Chinh phục đỉnh Cao Xiêm nóc nhà của Quảng Ninh
Đường lên Cao Xiêm – nóc nhà của Quảng Ninh
Một góc bản làng trên đường lên Cao Xiêm nhìn xuống
Cao Xiêm là đỉnh núi án ngữ giữa biên giới và biển trời Đông Bắc Quảng Ninh, độ cao hơn 1.429m so với mực nước biển. Vào những ngày nắng ráo, từ đỉnh Cao Xiêm, chúng ta có thể bao quát cả một vùng rộng lớn từ Tiên Yên đến Hải Hà, Đầm Hà… Theo người dân nơi đây, phía Đông đỉnh núi hướng tầm nhìn vượt huyện Hải Hà, Đầm Hà ra Vịnh Bắc Bộ. Phía Tây có thể nhìn vượt qua những dãy núi cao biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sườn Nam hướng tầm nhìn xuống thung lũng Bình Liêu và xa hơn là núi đồi thấp khu vực Tiên Yên. Còn sườn Bắc hướng tầm nhìn đến dãy núi "anh em" là Cao Ly và xa hơn là vùng núi Quảng Nam Châu hùng vĩ.
Chinh phục Cao Xiêm băng qua những cánh rừng thông, du khách bắt đầu bước vào một “thế giới” khác chìm trong mây.
Theo Quốc lộ 18C từ Tiên Yên vào Bình Liêu, khi đến bản Mạ Trạt hoặc dốc Cô Tiên ở xã Vô Ngại chúng ta nhìn thấy một ngọn núi sừng sững, cao nhất – đó là núi Cao Xiêm. Theo người dân Bình Liêu, ở khắp các thôn, bản từ Húc Động, Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm đến Hoành Mô đều có thể quan sát thấy đỉnh Cao Xiêm. Thế nhưng, số người đã từng đặt chân lên đỉnh núi này thì chưa nhiều. Có lẽ vì vậy mà Cao Xiêm còn khá xa lạ và kỳ bí.