Có thể bạn sẽ thích:
- [Huế] Những ngôi chùa xin xăm đầu năm cực đúng ở Huế
- [Huế] Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát - Chốn linh thiêng ở Huế
Vậy là một mùa Vu Lan nữa đã đến, các ngôi chùa trên khắp dải đất hình chữ S đang nô nức chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất năm này. Đây là ngày mà những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ và việc đi chùa để cầu an là điều không thể thiếu. Vốn là ngôi chùa báo hiếu nổi tiếng ở Huế - chùa Từ Hiếu là địa điểm không thể bỏ qua trong ngày Vu Lan.
Chùa ở Huế thường không quá rộng về mặt diện tích nhưng bề sâu văn hóa và kiến trúc độc đáo là lại in đậm trong từng nét rất riêng của các công trình nơi đây. Mà nói đến du lịch tâm linh ở đất này thì không thể không đến tổ đình Từ Hiếu đã gắn bao thăng trầm đất cố đô.
Chùa Từ Hiếu còn được gọi với những cái tên khác như Chùa Thái giám, chùa Hoạn quan.
Khi hỏi đường để đến với ngôi chùa này, nhiều người dân cho biết tổ đình Từ Hiếu còn có tên gọi là “chùa Thái giám” hay “chùa Hoạn Quan” bởi lẽ tại đây có một nghĩa trang chôn cất các thái giám của triều Nguyễn xưa có công đóng góp cho đất nước.
Chùa bao gồm chánh điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường, bên trái có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông.
Chùa nằm ở tây nam kinh thành Huế, cách Đàn Nam Giao khoảng 2km, đường Lê Ngô Cát, trên một khu đồi núi thấp khá bằng phẳng, khuất sau những hàng thông xanh ngút ngàn, tạo nên một phong cảnh trầm mặc, thanh tịnh đậm chất chốn cửa thiền.
Từ Hiếu không có bề dày như chùa Thiên Mụ, Tổ đình Quốc Ân hay Báo Quốc, nhưng lại lặng lẽ đi vào lòng người bởi trường ca hiếu nghĩa và độ sinh. Tên chùa (khi ấy còn là am) được vua Tự Đức ban tặng sau khi được nghe kể về một vị tu hành nơi đây đã không quản ngại chống gậy băng rừng lội suối mua cá về nấu cháo cho mẹ tẩm bổ, mặc bao dị nghị của người đời. Tấm văn bia trong chùa nêu rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Bởi lẽ đó, đông đúc các thiện nam, tín nữ lên chùa bái Phật, cầu sức khỏe cho ba mẹ, ông bà.
Vào những ngày lễ tết, chùa đón đông đảo du khách thập phương và người dân vào dâng hoa lễ phật.
Bước qua cổng tam quan là một hồ bán nguyệt nhuốm màu thăng trầm của một thời đại, cũng là nơi sinh sống của hàng ngàn “cư dân dưới nước” như cá lóc, cá trê, cá trắm, ba ba… Theo lời kể của người dân ở đây, chúng theo dòng nước nhỏ ở khe ngoài tự nhiên vào đây sinh sống, như gợi nhớ đến câu chuyện về người con hiếu thảo - Tổ sư Nhất Định năm ấy.
Vào chùa cho cá ăn là sở thích của nhiều người.
Mỗi buổi chiều mình thường có thói quen vào chùa cho cá ăn. Cá ở đây rất thích ăn bánh quy. Mỗi khi cho ăn mình cảm giác rất tự tại, thỏa mái. Cùng với bầu không khí trong lành, mình cảm giác như buông bỏ được mọi gánh nặng lo toan cuộc đời
Nhiều chú cá tự nhiên chọn đây làm chốn gắng bó lâu dài của mình.
Hương thiền nhè nhẹ tản mát theo những hàng tre, hàng cây lộc vừng - tới mùa ra hoa lại trải thảm trên những con đường, bao nỗi lo toan phiền muộn cũng dường như bị cuốn đi xa ngút ngàn. Dưới tán mát, lâu lâu lại được điểm xuyến bằng những câu thư pháp ý nghĩa càng giúp tâm người thêm tịnh.
Vào mỗi mùa sẽ có mỗi loài hoa đặc trưng tạo nên diện mạo ấn tượng cho du khách khi thăm cảnh chùa.
Vào những thời điểm đặc biệt trong năm, khi hoa lộc vừng nở, tổ đình Từ Hiếu như khoác lên mình một sắc màu mới. Những con đường, mặt nước, hàng cây rực lên với sắc đỏ đặc trưng.
Hình ảnh hoa lộc vừng trải thảm níu chân biết bao du khách.
Huế dịu dàng… Huế trầm tư…Sau khi đã dạo bước tham quan những lăng tẩm, đền đài, dạo chơi trên sông Hương núi Ngự, không ít du khách lại đưa bước vào chùa Từ Hiếu, một cách tự nhiên như vốn dĩ vẫn vậy.
Trong vẻ trầm mặc, u tịnh của quá khứ đan xen với không gian thanh mát của hồ cá, với tiếng rì rào nhẹ nhàng của hàng tre xanh mướt, ở nơi ấy, ta lắng mình lại… Ở nơi ấy, hồn ta thanh lại.
Mèo Lỳ - Sưu Tầm
Nguồn: Songmoi.vn