Ánh nắng mặt trời mãnh liệt của miền nhiệt đới là niềm mơ ước của biết bao cư dân xứ lạnh nhưng cũng là nỗi ám ảnh của làn da. Những ngày mùa đông ảm đạm tưởng chừng vô hại, chúng ta vẫn phải thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước tia cực tím, nhưng trong ngày mùa hạ oi nồng, chống nắng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Chống nắng là vũ khí mạnh mẽ nhất trong kho báu dưỡng da mà mỗi cô gái cần sở hữu để đánh bại sự khắc nghiệt của mặt trời miền nhiệt đới và bảo vệ làn da lụa là mỏng manh.
Giải mã tia UV và các chỉ số chống nắng
Nguồn: Internet
1.UVA, UVB & UVC
UV (Ultra Violet) Raditation hay còn gọi là Tia cực tím, chính là sóng điện từ không thể nhìn thấy bằng mắt thường; tia UV làm tăng nguy cơ ung thư da, khiến da nhanh bị lão hóa, da xuất hiện tàn nhang, đồi mồi.
Mặt Trời tỏa ra tia cực tím UVA, UVB và UVC, nhưng bởi vì sự hấp thụ của tầng ozone, 99% tia cực tím đến được mặt đất là thuộc dạng UVA. Bản thân tầng ozone được tạo ra nhờ phản ứng hóa học có sự tham gia của tia UVC.
- UVA với bước sóng dài được mệnh danh là “ánh sáng đen” hay “Tia cực tím lão hóa” bởi đây chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của làn da. Tác hại của UVA không nhìn thấy ngay lập tức như UVB nhưng tia cực tím loại này âm thầm làm tổn thương da, gây ra các dấu hiệu lão hóa sớm, phá hủy các collagen làm giảm độ đàn hồi của da. Tổn thương do UVA gây nên thường rất khó chữa trị và để lại hậu quả lâu dài.
- UVB có bước sóng ngắn hơn, thường được gọi là “Tia cực tím làm cháy” bởi UVB chỉ có tác động trực tiếp lên bề mặt ngoài cùng của da, làm phá hủy hoặc thay đổi các tế bào da và gây ra những tổn thương có thể thấy được ngay chỉ sau một buổi phơi nắng mà quên bôi kem.
- UVC có bước sóng ngắn nhất nhưng lại có tác dụng hủy hoại khủng khiếp nhất. Thật may mắn là UVC đã được tầng Ozone chặn lại và không thể vươn tới mặt đất.
Khả năng ảnh hưởng của các loại tia UV lên bề mặt Trái Đất và trên da (Nguồn: bananaboat.com.au)
2. SPF
SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số bảo vệ da, ngăn ngừa những tổn thương bề mặt do tia UVB gây ra. Chỉ số SPF cao không liên quan đến khả năng bảo vệ da trước tia UVA. Theo lời khuyên của các dược sĩ thì chúng ta nên sử dụng kem chống nắng có SPF từ 15 -30.
Chỉ số SPF không chính xác với mọi loại da, thông thường nếu da bạn bị cháy nắng sau khoảng 10’ tiếp xúc với ánh mặt trời, nếu bạn bôi loại kem chống nắng SPF 15, có nghĩa là bạn có thể tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng trong vòng 150’ nữa mà không sợ da bị tổn thương, bỏng rát.
3.PA
PA (Protect Grade) là chỉ số thể hiện khả năng lọc tia UVA gây tác hại lâu dài và các tổn thương sâu cho da. Càng nhiều dấu + có nghĩa loại kem chống nắng đó bảo vệ da trước UVA càng tốt. Hiện nay, PA++++ (4 cộng), vẫn đang là chỉ số PA cao nhất
4.Broad/Full Spectrum
Broad Spectrum hay Full Spectrum ( quang phổ rộng) được FPA công nhận có khả năng bảo vệ da khỏi UVA & UVB. Nếu trên bao bì của một sản phẩm chống nắng không có chỉ số PA mà chỉ có SPF + Broad/Full Spectrum thì hãy yên tâm nhé, làn da của bạn vẫn được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời.
Kem chống nắng Vật lý hay Hóa học?
Kem chống nắng được chia thành 2 loại cơ bản là kem chống nắng vật lý (Sunblock/Physical Sunscreens) và kem chống nắng hóa học (Sunscreens/Chemical Sunscreens).
Nguồn: Internet
- Kem chống nắng vật lý tạo nên một lớp màng chắn có tác dụng phản xạ, khuếch tán và ngăn chặn các tia UVA & UVB, không cho chúng xuyên thấu vào da. Hiện nay, Sunblock có 2 họat chất chống nắng là Titanium dioxide (TiO2) và Zinc oxide (ZnO) là họat chất chống nắng phổ rộng, tương đối an toàn cho da, kể cả với da nhạy cảm. Về cơ bản, kem chống nắng vật lý an toàn cho da, bền vững hơn và không cần thoa lại nhiều lần trong một ngày như kem chống nắng hóa học.
- Kem chống nắng hóa học với hàng loạt các chất hóa học có cơ chế hoạt động như một màng lọc hóa học, thu nhận và thẩm thấu các tia nắng mặt trời, chúng sẽ tự xử lí và phân hủy, phóng thích tia UV trước khi các tia này có thể làm tổn hại đến da. Một số màng lọc hóa học có khả năng phân tán tia nắng mặt trời như chủ yếu kem chống nắng hóa học chỉ hấp thu tia UV. Cũng bởi thành phần gồm nhiều các hoạt chất hóa học nên Chemical Sunscreens thường dễ gây kích ứng da hơn Physical Sunscreen. Oxybenzone và mexoryl là hai thành phần đã được chứng nhận an toàn trong kem chống nắng hóa học, ngoài ra kem chống nắng hóa học còn có rất nhiều các hoạt chất hóa học khác.
Tinosorb là gì?
Tinosorb S và M - một hoạt chất chống nắng vừa hấp thụ các tia UV như kem chống nắng hoá học, vừa phản chiếu lại chúng như kem chống nặng vật lý. Trước đây, kem chống nắng được sử dụng để ngăn ngừa da khỏi bị cháy nắng do tác hại tức thì của UVB chứ chưa chú trọng đến tác hại lâu dài của UVA. Tuy nhiên, ngày nay các loại kem chống nắng đã đưa Tinosorb vào công thức bởi chất này có khả năng bảo vệ da khỏi UVA & UVB phổ rộng. Tinosorb được biết đến với 2 loại Tinosorb S và Tinosorb M, cả hai đều có tác dụng thẩm thấu, phân tán và phản chiếu tia tử ngoại. Như vậy, Tinosorb khá lý tưởng bởi nó vừa hoạt động như kem chống nắng hóa học, vừa có cơ chế và đặc điểm giống kem chống nắng vật lý.
Nguồn: Internet
Sử dụng kem chống nắng hiệu quả nhất
- Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 15-20’để kem có thời gian thẩm thấu vào da và phát huy tác dụng.
- Bôi lại kem sau khoảng 2 tiếng một lần nếu bạn dùng kem chống nắng hóa học, kem chống nắng vật lý sẽ có tác dụng bền vững hơn nên không cần thoa lại nhiều lần trong ngày.
- Nên sử dụng hai loại kem chống nắng riêng cho mặt và cơ thể, vì da mặt thường nhạy cảm hơn.
- Nếu các nàng đi biển hay đi bơi thì hãy nhớ chọn loại kem chống nắng có tác dụng chống nước để việc chống nắng được hiệu quả hơn.
- Thoa đủ lượng kem chống nắng:
- Cho mặt và cổ, bạn cần khoảng 1/2 thìa trà
- Cho toàn thân, bạn cần khoảng 1 chén rượu nhỏ
Giờ thì chúng mình có thể thỏa thích cầm tay mùa hè và tỏa sáng mà không bị ám ảnh với “mặt trời nhiệt đới” rồi, chúc các bạn có một mùa hè rực rỡ!
Miley for HanaTara