Phố cổ Hội An, phố cổ Đồng Văn hay 36 phố phường Hà Nội đều nắm giữ những nét lịch sử văn hóa rất đặc trưng với không gian xưa cũ cùng kiến trúc, tín ngưỡng và ẩm thực độc đáo.
Giữa những tòa nhà cao tầng xa hoa là một khoảng trời bình yên giữa những khu phố cũ. Vì thế mà không ít khách du lịch chọn phố cổ làm nơi tham quan yêu thích trong hành trình khám phá một vùng đất mới. Bạn đã ghé thăm hết sự bình yên của ba khu phố cổ này chưa?
Phố cổ Hội An
Hội An mang vẻ đẹp thanh bình và có phần hoài cổ đã làm "xiêu lòng" không biết bao nhiêu du khách.
Nằm bên bờ sông Thu Bồn, phố cổ Hội An có kiến trúc đặc trưng của một thương cảng thế kỷ 16. Phố cổ này hấp dẫn bởi những nếp nhà phủ màu thời gian với tường vàng, mái ngói đẹp mắt.
Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ.
Phố Hội đẹp nhất về đêm, khi những tia nắng dần tắt cả phố sẽ chìm trong ánh đèn huyền ảo của hàng trăm chiêc đèn lồng. Đặc biệt nếu bạn đến Hội An vào ngày 14 âm lịch hàng tháng thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng sông Thu Bồn như một dải lụa được thắp sáng bởi những chiếc đèn hoa đăng được thả bởi du khách và người dân nơi đây thả xuống. Khắp mặt sông là những chiếc đèn lập lòe ánh sáng tạo nên một khung cảnh nên thơ.
Hội An vừa trầm lặng, yên bình với những nét cổ kính của năm tháng vừa thơ mộng với những ánh đèn lồng vào mỗi đêm làm say đắm lòng du khách mỗi lần ghé qua.
Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang
Với những nét đặc trưng vốn có hòa cùng vẻ đẹp trong nền văn hóa truyền thống đa sắc màu, phố cổ Đồng Văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang.
Khu phố cổ nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn nhỏ bé, lọt thỏm giữa bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Chỉ vỏn vẹn trên dưới 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá cũng làm cho phố cổ trở nên đẹp kỳ ảo. Bức tranh phố cổ Đồng Văn được pha trộn từ màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban đầu chỉ có vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống nhưng dần dần nơi đây có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến.
Kiến trúc phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương, trước cửa nhà còn có đèn lồng được treo cao xinh xắn. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã quyết định tổ chức “Đêm phố cổ” hàng tháng vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó, các gia đình trong khu phố cổ sẽ treo đèn lồng đỏ và tổ chức một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, bán món ăn truyền thống, trình diễn các trò chơi dân gian…
Từ trên cao du khách nhìn xuống sẽ thấy bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Bao gồm khu dân cư của người Tày và hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê, đây được xem là một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn.
Mỗi một thời điểm trong ngày, phố cổ Đồng Văn sẽ mang đến cho bạn những cung bậc cảm xúc khác nhau. Buổi sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ cùng với âm thanh náo nhiệt, sắc màu rực rỡ trong những bộ trang phục của đồng bào người Hoa, Mông, Tày, Nùng… Khi chiều tà, sự yên bình lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng đàn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán cà phê phố cổ lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên.
Phố cổ Hà Nội
Nhắc đến Hà Nội, người ta không chỉ nghĩ đến Lăng Bác, hồ Gươm, hồ Tây mà cũng sẽ có rất nhiều người nhớ về phố cổ. Được xem là cái nôi lưu giữ những gì cổ kính, hoài niệm một thời vẫn còn vẹn nguyên những nét trầm mặc theo dòng xoáy thời gian và chính điều này đã trở thành lý do thôi thúc nhiều lữ khách đến thăm nơi đây một lần trong đời.
Phố cổ Hà Nội tọa lạc ở phía Tây Bắc quận Hoàn Kiếm, sở hữu vị trí trung tâm, đắc địa của Thủ đô. Mỗi con phố lưu giữ những ký ức về lịch sử, con người và đất nước. Qua thời gian, những con phố ấy vẫn còn tồn tại vẹn nguyên đến tận bây giờ.
Khu phố này còn có tên gọi khác là Hà Nội 36 phố phường bởi các con phố ở đây đều được đặt tên theo một mặt hàng được làm và bày bán trên phố như phố Hàng Đường chuyên làm và bán đường, phố Hàng Thiếc chuyên về các sản phẩm từ thiếc hay phố Hàng Bạc với các nghề thủ công liên quan đến bạc…
Khi dạo quanh phố cổ, bạn sẽ thấy những ngôi nhà nơi đây đều được xây theo kiểu nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền được tận dụng trở thành những cửa hàng kinh doanh. Những ngôi nhà ống này được xây chủ yếu từ đầu thế kỷ 20 còn lúc đầu phố cổ chỉ có những gian nhà tranh bằng tre nứa đơn sơ, sau này những ngôi nhà có mái ngói đỏ tươi mới xuất hiện, sau cùng là nhà ống.
Ô Quan Chưởng
Đã cất công đến thăm nơi đây thì các bạn không nên bỏ qua những ngôi đền, chùa cổ kính như đền Mã Mây, đền Bà Chúa, chùa Cầu Đông, chùa Kim Cổ… và đừng bỏ qua cơ hội tham quan cửa ô Quan Chưởng - dấu mốc của một thời kỳ vàng son của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đối lập với vẻ hào nhoáng xa hoa, rực rỡ cùng những công trình kiến trúc hiện đại là phố cổ giản dị và bình yên đến lạ. Một chút lặng lẽ, một chút thanh tao đã thôi thúc bao nhiêu người phải dừng chân lưu luyến mỗi độ về với Thủ đô yêu thương.
Phố cổ vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến nơi đây có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí để cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng có sức hấp dẫn của riêng mình. Nếu có điều kiện, bạn hãy đặt chân đến 3 khu phố cổ kính để cảm nhận sự bình yên nhẹ nhàng này nhé!
Sưu tầm & Chỉnh sửa
Nguồn: Bestie