Cao Xiêm là đỉnh núi cao nhất nhì (1.429 mét so với mực nước biển) trong dãy núi án ngữ giữa biên giới và biển trời vùng Đông Bắc của Quảng Ninh. Theo người dân Bình Liêu, ở khắp các thôn, bản, từ Húc Động, Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm đến Hoành Mô đều có thể quan sát thấy đỉnh Cao Xiêm. Thế nhưng, số người đã từng đặt chân lên đỉnh núi này thì chưa nhiều. Có lẽ vì vậy mà Cao Xiêm còn khá xa lạ và kỳ bí.
Để chinh phục ngọn núi nhiều kỳ thú này, các phượt thủ và du khách phải trải qua một chặng đường dài chừng 7km, với nhiều địa hình rừng núi, cảnh vật khác nhau. Vào những ngày thời tiết đẹp, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những rừng thông bát ngát, vi vu, những đồng cỏ mênh mông lưng chừng núi, với những chú bò, chú ngựa mải mê gặm cỏ trong một khung cảnh thơ mộng, bình yên đến lạ.
Vào những ngày trời mù hoặc sau những cơn mưa, các bạn sẽ có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, mọi thứ đều mờ mờ, ảo ảo, mây phủ kín những đỉnh đồi, đỉnh núi cao...
Đi lên Cao Xiêm, chúng ta có thể xuất phát từ 3 điểm: thứ nhất là từ Bản Cao Thắng (xã Lục Hồn), thứ hai là từ thôn Lục Ngù (xã Húc Động); thứ ba là từ bản Ngàn Mèo (xã Lục Hồn). Du khách sẽ phải gửi xe ở nhà dân và đi bộ khoảng 1h30’ mới lên đến đỉnh.
Hành trình lên đỉnh Cao Xiêm, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bản làng của các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, ở đó mỗi ngôi nhà đều có những kiến trúc rất riêng và độc đáo.
Theo lối mòn, đi xuyên qua những cánh rừng bát ngát, thi thoảng lại gặp những chùm hoa dại rực rỡ hoặc những chùm quả rừng có thể hái ăn luôn, khiến bao mệt mỏi cứ thế mà tan biến.
Vượt qua những rừng thông bạt ngàn, những triền dốc cao, những con suối, chúng ta sẽ bắt gặp một “thảo nguyên” xanh mướt, không khí trong lành đến kỳ lạ. Trên thảo nguyên xanh này, chúng ta có thể thoả sức cắm trại, vui chơi hoà mình vào thiên nhiên, núi rừng Bình Liêu. Đây cũng là thời điểm, mọi người có thể nghỉ ngơi sau một nửa chặng đường chinh phục Cao Xiêm.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta sẽ phải đi xuyên qua một rừng thông chừng 2km, tiếp sau đó là những triền núi có độ dốc cao, rồi men theo con đường mòn quanh co, uốn lượn, băng qua những tảng đá to với nhiều hình thù mới lên đến đỉnh.
Vào những ngày có sương mù, đoạn đường này là thử thách lớn nhất trong hành trình chinh phục đỉnh Cao Xiêm. Lúc này bạn sẽ thấy mây quện vào mỗi bước chân, sương mù dày đặc, chỉ cần đi cách nhau hơn chục mét là người sau đã không thể nhìn thấy người đi phía trước, nên mọi người cần bám sát nhau để không bị lạc đường.
Vào những ngày trời đẹp, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, vừa đi bạn vừa có thể dừng lại ở mỗi chặng đường để nghỉ và chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh, tận hưởng những làn gió mát và không khí trong lành của thiên nhiên, núi rừng Đông Bắc.
Hành trình đầy gian nan, nhưng vượt qua được nó để lên đến đỉnh bạn sẽ có một cảm giác chiến thắng một cách viên mãn, vô cùng khó tả. Đứng trên đỉnh cao nhất của dãy núi Cao Xiêm chúng ta có thể bao quát cả một vùng rộng lớn: từ phía Đông của đỉnh núi, có thể hướng tầm nhìn vượt huyện Hải Hà, Đầm Hà ra Vịnh Bắc Bộ; từ phía Tây có thể nhìn vượt qua những dãy núi cao giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc; từ sườn Nam, có thể hướng tầm nhìn xuống thung lũng Bình Liêu và xa hơn là núi đồi thấp khu vực Tiên Yên; từ sườn Bắc, có thể hướng tầm nhìn đến dãy núi "anh em" là Cao Ly và xa hơn là vùng núi Quảng Nam Châu hùng vĩ.
Trên đỉnh Cao Xiêm, hiện vẫn còn những hầm hào, những con đường được mở lên núi sót lại. Nơi đây, ngày xưa từng được cắm một ngọn cờ thể hiện chủ quyền của nước Việt Nam. Cũng chính vì vậy, người Sán Chỉ còn gọi núi Cao Xiêm là “Kèo Kăm Khây” (núi Cắm Cờ), người Tày gọi là “Khau Cẳm Cờ”. Ngày nay, người dân Bình Liêu đã cùng nhau đóng góp để xây dựng một cột mốc hình tam giác sáng bóng trên đỉnh Cao Xiêm rất đẹp và hoành tráng. Các bạn trẻ lên đây đã chụp ảnh check-in cùng cột mốc với nhiều tư thế tạo dáng cực chất và ảo diệu.
Một điều hết sức đặc biệt khi đứng trên đỉnh cao nhất của Cao Xiêm, các bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dãy “tường thành” bằng đá tự nhiên dài hàng kilomet, được ví như “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ” của Bình Liêu.
Nghe mọi người nơi đây kể lại, sự tích của dãy tường thành bằng đá này là do người dân xưa kia đã xếp những dãy tường đá này để phân chia lãnh thổ và ngăn không cho gia súc của mình sang địa phận khác. Cũng có sự tích kể rằng họ đã xếp đá để ngăn không cho trai-gái của hai xã Húc Động và Lục Hồn hẹn hò nhau... Các bạn hãy cùng xem thêm một số hình ảnh độc đáo của dãy tường đá tự nhiên được chụp lại trong hành trình chinh phục đỉnh Cao Xiêm của các bạn trẻ nhé:
Để đến Bình Liêu, các bạn có thể đi xe máy (nếu bạn thích đi phượt), hoặc đi xe khách đến thị trấn Bình Liêu rồi thuê xe máy của người dân đi tiếp vào các bản. Sau đó gửi xe máy tại nhà dân và bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng, núi. Dưới đây là thông tin liên lạc và lịch trình của một số xe khách chạy tuyến Bình Liêu, các bạn cùng tham khảo nha:
- Xem thêm những quán đặc sản ở Bình Liêu tại đây:
https://www.foody.vn/bo-suu-tap/khanh.vu4778/nhung-quan-an-dac-san-o-binh-lieu-9105819
Hãy đến với Bình Liêu một lần để cảm nhận được cái hồn thiêng nơi giao thoa giữa đất trời của vùng biên giới phía Đông Bắc Tổ Quốc. Nhưng xin hãy nhớ lời nhắn nhủ nơi đây để vùng đất ấy mãi mãi được trong lành và bình yên như nó vẫn từng như thế ngàn đời nay:
Nguồn ảnh: Kim (Bình Liêu) & Dương Minh
Khanh Vu (Thực hiện)