Tựa một bức tranh thu nhỏ về vẻ đẹp của miền Tây sông nước, An Giang, với cảnh sắc thiên nhiên yên bình, thơ mộng, đã khiến bao lữ khách say lòng.
An Giang nằm ở phía Tây Nam Việt Nam, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài gần 100 km, là nơi thượng nguồn Mekong đổ vào nước ta, chia thành hai dòng sông Hậu và sông Tiền.
Ráng chiều vùng sông nước An Giang (Ảnh: Sưu tầm)
Hầu hết du khách tìm về An Giang đều ghé chân đến những nơi khá quen thuộc như chùa Bà Châu Đốc, núi Sam, núi Cấm, lăng Thoại Ngọc Hầu, dãy Thất Sơn, đồi Tức Dụp. Tuy nhiên, còn có một An Giang rất khác, với một vài địa danh ít nổi tiếng hơn, mà với những người yêu phượt, thích khám phá những nét văn hóa địa phương, thì đây luôn là những gợi ý thú vị.
Để khám phá một cách trọn vẹn vẻ đẹp bình dị của vùng quê An Giang, bạn nên lựa chọn phương tiện là xe máy, để có thể chủ động được thời gian và địa điểm muốn đi.
Một trong những điểm bạn nên ghé qua đầu tiên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là “hồ giếng trời”. Búng Bình Thiên nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Búng rộng khoảng 193 ha, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất hiện nay ở miền Tây. Nước trong búng trong xanh quanh năm, mặc dù các kênh rạch gần đó lại đục ngầu phù sa. Đây chính là điều làm nên sự đặc biệt của Búng Bình Thiên.
Vẻ đẹp yên bình, thơ mộng trên Búng Bình Thiên (Ảnh: Sưu tầm)
Hòa mình vào sông nước, trời mây với một màu xanh ngắt (Ảnh: Vnexpress)
Cư ngụ ở khu vực quanh Búng là đồng bào dân tộc Chăm. Chỉ cần đi dạo một vòng quanh hồ, bạn sẽ thấy được nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây. Dân tộc Chăm hầu như còn giữ lại nguyên vẹn những sinh hoạt và tín ngưỡng riêng của mình. Những ngôi nhà sàn đầy màu sắc, ngôi đền Hồi giáo cổ kính, các em bé Chăm trong những bộ đồ truyền thống, tất cả hòa quyện vào nhau vẽ nên một bức tranh quê bình dị. Bạn có thể xuống xe ở đây, lang thang trong xóm làng và bắt chuyện với người dân để tìm hiểu thêm về xứ sở này.
Những con đường làng rợp mát bóng cây (Ảnh: Vnexpress)
Văn hóa Chăm vẫn còn hiện diện khá rõ nét trong cuộc sống của cư dân trên Búng (Ảnh: Vnexpress)
Điểm đến tiếp theo là rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên - một huyện vùng biên giới của tỉnh An Giang. Trà Sư là khu rừng ngập nước điển hình của vùng Tây sông Hậu, là nơi cư ngụ của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng nước ta.
Hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư khá đa dạng và phong phú
Vừa đến rừng tràm, bạn đã có thể cảm nhận sự trong lành và nguyên sơ nơi đây. Gió thổi rì rào mát rượi qua những ngọn cây, chim hót líu lo vang cả một góc rừng. Chiếc xuồng nhỏ từ từ đưa bạn len lỏi qua những rặng cây tràm, tiến sâu hơn vào rừng. Trên mặt nước bao phủ một màu xanh ngát của loại bèo cám, những bông hoa tràm trắng tinh rơi rụng khắp nơi.
Đến Trà Sư và cùng người dân trải nghiệm cuộc sống quê kiểng miền sông nước (Ảnh: Sưu tầm)
Bạn có thể thấy những chú cò sải cánh trên mặt nước tìm thức ăn, những chú bìm bịp đang gọi nhau í ới, những chích, những le le đứng đâu đó trên những cành tràm khẳng khiu. Cả một khu vườn vang rộn tiếng chim hót, hòa với màu xanh mặt nước. Không gian thanh mát đến không ngờ sẽ giúp bạn quên đi những bon chen mệt nhoài của cuộc sống, và ôm chầm lấy cả vùng không gian xanh này để tận hưởng từng khoảnh khắc ngọt ngào diệu kỳ của thiên nhiên. Đừng quên mang theo một chiếc máy ảnh và bắt lại từng hình ảnh, khoảnh khắc tuyệt đẹp của Trà Sư nhé.
Hoàng hôn trên rừng tràm Trà Sư (Ảnh: Kiên Phạm)
Rời Trà Sư, bạn hãy tiếp tục thẳng hướng về Tri Tôn để ghé vào đồi Tà Pạ. Đây cũng là một địa danh không được du khách biết đến nhiều, nhưng lại quyến rũ biết bao nhiêu “dân phượt” tìm về.
Núi Tà Pạ với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí. Trên đỉnh núi có một hồ nước được bao quanh bởi những vách đá (Ảnh: Hachi8)
Những tảng đá nhấp nhô soi mình giữa mặt hồ trong xanh, phẳng lặng (Ảnh: Sưu tầm)
Đến Tà Pạ, thả mình vào thiên nhiên và tận hưởng những phút giây thư thả, yên bình (Ảnh: Mạnh Vương)
Đồi cao 120m, trên đồi có ngôi tự Chun Num cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc của người Khmer.
(Ảnh: Sưu tầm)
Từ cổng chùa đi vòng ra phía sau tầm 200m, bạn sẽ lên đến đỉnh đồi. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả huyện Tri Tôn trù phú. Phía dưới là cánh đồng Tà Pạ đầy màu sắc, điểm trên đồng là một vài cây thốt nốt cao vút. Hẳn đây sẽ là một bức tranh chiều tuyệt đẹp gợi nhiều ký ức cho những ai đã từng đi qua tuổi thơ ở miền quê Việt Nam.
Cánh đồng đẹp như một bức tranh thủy mặc (Ảnh: Thanh Long)
Những cây thốt nốt vươn mình giữa cánh đồng đầy màu sắc (Ảnh: Sưu tầm)
Chiều về bình yên trên cánh đồng Tà Pạ (Ảnh: Sưu tầm)
Nếu bạn vẫn còn đủ sức khỏe rong ruổi cuộc hành trình, thì An Giang vẫn còn rất nhiều nơi cho bạn ghé thăm. Hãy đến thăm làng sen ở Thoại Sơn, rồi qua khu di chỉ văn hóa Óc Eo đang được khai quật, nghiên cứu. Hay leo núi Cô Tô, vãng cảnh chùa Bồng Lai, men theo dòng suối đến hồ Soài So, với khu vườn xanh mát bao quanh chân núi… Chắc chắn bạn sẽ có một chuyến đi vô cùng thú vị và đáng nhớ đấy!
Vi Hiền – Sưu tầm & Chỉnh sửa
Nguồn: 24h.com.vn