Nói đến thác ở Bình Liêu, người ta sẽ nghĩ ngay đến thác Khe Vằn_một trong những con thác đẹp nổi tiếng đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đặc biệt là những ai mê phượt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chí cách đó chừng 8km còn một con thác nữa mang vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ không kém, đó là thác Sú Cáu.
Thác Sú Cáu vừa kì vĩ vừa thơ mộng và huyền bí.
Để tới được thác Sú Cáu, người ta phải đi qua bản Sú Cáu, xã Húc Động. Bản Sú Cáu nằm sâu trong núi, dưới chân ngọn Cao Ly Hùng Vĩ. Đi từ thôn Khe Vằn qua bản Sú Cáu để tới được đường mòn lên núi mất chừng 8km. Sau khi đi hết bản Sú Cáu, các bạn gửi xe ở nhà dân và thuê người dẫn đường để họ chỉ đường lên thác. Bạn có thể thuê các thanh niên nhà gần thác. Họ biết đường lại có rất nhiều kinh nghiệm đi đường rừng và xử lý các tình huống trên đường.
Ngôi nhà cuối cùng trong bản Sú Cáu
Con đường vào thác không quá dài, chỉ khoảng gần 3km.
Con đường mòn đi vào thác Sú Cáu
Bạn sẽ phải băng qua một rừng tre nứa có khá nhiều vắt. Dân ở đây biết cách chống vắt rất hiệu qủa. Họ sẽ chỉ cho bạn cách làm thế nào và tránh đoạn nào không dừng lại để tránh bị vắt cắn.
Chinh phục hết đoạn đường, bạn sẽ tới được nơi có con thác Sú Cáu cao sừng sững, nước chảy từ trên cao xuống, uốn lượn qua các vách đá như nhảy múa đêm ngày.
Vì đường đi không dễ nên rất ít người vào thác. Cũng chính vì vậy mà con thác này vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, chưa chịu bất cứ một tác động nào từ con người.
Con thác cao tầm 20m từ chân lên đến đỉnh. Ngay phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng trong xanh, có thể tắm và bơi thoải mái.
Người dân ở đây khi vào rừng, khát thường vục nước suối để uống. Nước ở thác này là nước đầu nguồn nên sạch. Nước trong veo và mát lạnh, thơm mùi lá cây.
Khu vực thác có rất nhiều cây xanh. Xung quanh hồ nước dưới chân thác còn có cả những bụi cỏ xanh mướt mát, êm mượt như những thảm lụa mềm.
Thác này có địa hình khá đa dạng, thảm thực vật tự nhiên vô cùng phong phú.
Nhiệt độ ở đây chênh lệch khá lớn so với bên ngoài, nhất là vào mùa hè, nên vào đây bạn sẽ cảm giác cực kì mát mẻ và dễ chịu. Rất phù hợp để rủ bạn bè đi tránh nóng vào những ngày niệt độ lên cao.
Hiện tại, chủ yếu những người đi vào đây là các bạn mê phượt thích khám phá hoặc một số nhiếp ảnh gia đi theo kiểu tự phát và đi lẻ nên họ phải chủ động mọi thứ. Nhưng nếu các bạn muốn đi theo kiểu đoàn đông thì có thể liên hệ với công ty du lịch Nam Phong theo số điện thoại: 0333 556 996 để đặt tour trọn gói Hạ Long - Bình Liêu (1 ngày) với giá 499.000đ/ người (giá dành cho đoàn trên 20 người đã bao gồm xe đưa đón và một bữa ăn trưa 150.000đ) với lịch trình như sau:
07:00 xe và hướng dẫn viên Công ty Nam Phong Tourist sẽ đón quý khách tại Văn phòng du lịch - Cột Đồng Hồ, TP. Hạ Long.
07:15 bắt đầu hành trình đi huyện Bình Liêu.
10:00 khách đến trung tâm huyện Bình Liêu (tại đây sẽ có cán bộ Phòng văn hóa du lịch – UBND huyện đón tiếp đoàn) đến thăm quan cửa khẩu Hoành Mô, chụp ảnh lưu niệm tại Mốc 1317 biên giới Việt Trung trong khuôn viên cửa khẩu; thăm Đình Lục Nà, nơi thờ người anh hùng dân tộc Hoàng Cần và thờ các vị thần che trở cuộc sống cho các đồng bào các dân tộc Bình Liêu; mua nông thổ sản tại chợ phiên - nơi các đồng bào gặp gỡ, giao lưu, ăn uống, hát đối then, soong cọ, trao đổi buôn bán hàng nông sản vào cuối tuần.
Kết thúc buổi chợ, đoàn ăn trưa với một số đặc sản địa phương như vịt đen, cá suối, thịt chó bản, bánh gật gù, miến xào, ngỗng hấp, xôi ngũ sắc (thực đơn sẽ điều chỉnh theo từng đoàn cho phù hợp với số người và tình hình địa phương)
20:00 đoàn về đến thành phố Hạ Long, kết thúc chương trình khám phá bổ ích và vui vẻ.
Các bạn có thể tham khảo thêm về vẻ đẹp của thác Khe Vằn tại đây:
http://travel.foody.vn/quang-ninh/thac-khe-van
Có một cách để trị vắt rất đơn giản hiệu quả của những người dân bản hay đi rừng ở đây, xin chia sẻ để các bạn cùng tham khảo, đó chính là cách sử dụng muối ăn.
Những người dân tộc thiểu số họ thì làm gì có thuốc DEF, làm gì có tất chống vắt, thường chỉ đi dép, loại dép nhựa mềm, có độ bám dai và thuận lợi khi đi qua ngầm, qua suối. Chính điều này lại giúp họ thuận lợi hơn khi bắt con vắt ra khỏi chân. Vì nếu khi đi tất, việc tháo tất ra để lấy con vắt mất nhiều thời gian và phức tạp hơn nhiều. Họ thường mang theo một gói muối. Khi bị vắt cắn, họ chỉ việc lấy vài hạt muối xoa thẳng vào chỗ con vắt đang cắn, lập tức, con vắt co rúm lại và rơi ra. Chỗ vết thương bị vắt cắn cũng không ngứa và chảy máu nhiều (thậm chí coi như được sát trùng 1 lần nhờ muối).
Hoặc bạn cũng có thể phòng vắt bằng cách hòa muối với nước thật đặc rồi bôi hết lên những vùng da hở trước (tay, chân, cổ), khi vắt có bám vào mà cắn, thấy mặn nó tự rơi ra. Một lưu ý nữa là, với những ai đi tất thì nên cho tất ngoài ống quần hoặc bỏ áo vào trong quần để nếu vắt có bám lên người thì không có đường chui vào. Các bạn không nên dừng lại hoặc ngồi nghỉ ở những nơi có vắt.
Hình ảnh con vắt
Nói chung vắt cắn không nguy hiểm đến tính mạng nên bạn đừng quá sợ. Nếu bị nó bám nên người thì chì cần dùng đầu ngón tay miết sát da và gạt đầu nhỏ (đầu hút máu) của vắt, sau đó gạt tiếp đầu kia của vắt, rồi vẩy nó đi trước khi nó bám lại vào ngón tay bạn. Cách này rất hiệu quả để loại bỏ vắt. Sau đó dùng nước lọc đem theo người pha thêm chút muối để rửa lại vết thương rồi dùng ngón tay cái ấn chặt vào vết thương một lúc cho máu tạm ngưng. Nếu có băng dính vết thương thì dính lại là xong.
Nguồn ảnh: NAG Cấn Đình Loan & Kim (Bình Liêu)
Khanh Vu (thực hiện)