Lạng Sơn không chỉ nổi tiếng bởi chốn “phố núi” nhộn nhịp các hoạt động buôn bán vùng cửa khẩu hay những cảnh quan thiên nhiên non nước hữu tình mà còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh các món ăn nức tiếng như phở chua, vịt quay, lợn quay, khau nhục…Foody xin chia sẻ 6 món bánh ngon trứ danh đất Lạng.
1. Bánh Ngải
Bánh đặc biệt ở Lạng Sơn với nguyên liệu chính là lá ngải cứu. Lá ngải sau khi được đun với nước tro, giã nhuyễn với bột nếp, vắt thành những chiếc bánh hình tròn, dẹt với nhân vừng đen rang chín trộn đường phên. Bánh xanh thẫm nhưng vị đăng đắng của lá ngải đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự dẻo ngọt, mát lành. Giá của mỗi chiếc bánh ngải cực kỳ "hạt dẻ", chỉ 2 - 3k/chiếc.
Món ăn được sử dụng trong các dịp cỗ bàn, lễ tết và được coi như một vị thuốc quý của người dân nơi đây
Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
2. Bánh Coóng Phù
Thoạt nhìn, bánh coóng phù của người Tày không khác nhiều so với bánh trôi của vùng đồng bằng. Nguyên liệu chế biến cũng tương tự, cũng là gạo nếp, xay bột lẫn nước, cho vào bọc vải, để róc nước. Sau đó nặn bột, vo viên tròn, rồi thả vào nước sôi… Nhưng khác với bánh trôi là nhân bánh coóng phù khi thì được làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với nước đường đỏ; có khi lại làm bằng đỗ xanh đã đồ chín, trộn lẫn với đường kính. Nước đun bánh cũng phải là nước đường, đun sôi, đợi sủi tăm rồi mới thả bánh vào.
Coong phù - 'bánh trôi' của người xứ Lạng
Theo kinh nghiệm làm bánh coóng phù của người Tày, để có hương vị đặc trưng thì nước chan bánh phải được làm từ mật mía, pha sao cho vừa có đủ độ ngọt, vừa có độ sánh và chỉ nên thêm vài lát gừng đã giã dập.
Đặc biệt khi lên xứ Lạng vào thời tiết lạnh, được thưởng thức món coóng phù nóng hổi, đượm chất ngọt của mật mía, vị bùi của lạc, nồng cay gừng và mùi thơm của gạo, hẳn sẽ khiến bạn phải nao lòng khi rời xa nơi đây.
3. Bánh Áp Chao
Đây chính là món vịt quay được bọc bột nếp, chấm với nước mắm đu đủ pha dấm ớt. Khi cắn miếng đầu tiên, bạn có thể cảm nhận sự deo dẻo của bột nếp, cắn miếng thứ hai là vị của thịt vịt quay ngọt mềm. Một chiếc bánh có giá khoảng 15k nhé. Khi bạn đến ăn, chủ quán sẽ cắt ra từng miếng nhỏ tiện cho khách hàng.
Bánh Áp Chao - món bạn không thể bỏ qua khi tới xứ Lạng.
Buổi tối thu se lạnh, đi dạo trên đường phố xứ Lạng bạn sẽ dễ dàng bắt gặp món ăn dân dã này. Trong cái gió mát của vùng cao, quây quần bên bè bạn, nhấp môi chút rượu Mẫu Sơn, nhấm nháp cái vị đậm đà của món áp chao, xuýt xoa trước cái cay cay của gừng, của ớt mới cảm nhận được hết cái thú ẩm thực xứ Lạng.Khi ăn, bạn sẽ thấy rõ vị giòn thơm của vỏ bánh quyện cùng vị đậm đà của thịt vịt, của mắm chua ngọt, ăn kèm rau sống ăn mãi không thấy ngán.
Quán bánh áp chao nổi tiếp xứ Lạng : Bánh Áp Chao Xuân Sửu:
http://www.foody.vn/lang-son/xuan-suu-banh-ap-chao-thit-vit-chao-lang-son
4. Bánh Cao Sằng
Bánh Cao Sằng trông tuy đơn giản nhưng chế biến khá cầu kì. Gạo sau khi ngâm xong rồi đem sát thành bột mịn, cho thêm ít bột lọc để tạo độ trong cho bánh. Tiếp đó cho ít nuớc vào nhào bột cho nhuyễn, không được để bột quá nhão. Sau đó đổ bột vào khuôn, dàn đều cho mỏng và đem hấp cách thủy cho chín, khi bánh gần chín thì rưới nước thịt kho nuớc dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy.
Khi bánh chín, tỏa ra mùi thơm của bột gạo quện với mùi hành phi vô cùng hấp dẫn. Dùng dao sắc, cắt bánh thành hình chữ nhật khoảng cỡ bao diêm rồi rắc thêm chút lạc rang giã giập. Nhiều loại bánh hấp khác thường được ăn kèm cùng nước chấm hay nước sốt thì bánh cao sằng lại thường được ăn kèm cùng… nước canh.
Bánh cao sằng thường được làm từ khoảng mùng 3 Tết trở đi. Vị bánh thanh nhẹ, dễ ăn sẽ giúp đổi món và xóa đi cảm giác ngấy, chán ăn vì đồ nhiều thịt, mỡ trong những ngày Tết.
Nước canh được chế biến bằng cách hầm xương heo, đặc biệt là xương ống thật kỹ, vớt hết bọt, rồi thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ. Miếng bánh mềm, vừa dẻo vừa dai, có mùi vị của bột gạo, sần sật nhân thịt băm, thơm ngậy mùi hành mỡ được ăn cùng với nước canh nóng hôi hổi. Có thể khiến người ăn, ăn tới no mà vẫn còn thòm thèm.
5. Bánh Mì Nướng
Bánh mì bate, bánh mì nướng dầu hào kiểu Lạng Sơn lại có một vị rất đặc biệt. Bánh được xiên vào que dài, nướng trên than củi. Đầu tiên người ta quết lên một lớp mỡ lợn béo ngậy, lúc sau mỡ nóng làm bánh không bị cháy đen thì phết thêm lớp dầu hào. Nướng thêm tầm 5 phút thì bỏ ra cắt miếng.Chấm kèm với nước chấm đặc biệt của từng hàng. Lạng Sơn có 2 hàng bánh mì nướng ngon nổi tiếng từ lâu là hàng ở cột đèn giao thông ngã tư Hàng Bát đường chợ Đêm Kì Lừa, hàng nữa là ở Phố Muối.
Bánh mì nướng hương vị xứ Lạng đúng điệu
Bánh mì có thể ăn kèm với thịt xiên nướng, xúc xích, chân gà, hàm lợn…tất cả đều nướng với dầu hào. Nếu mua mang đi thì cũng có thể ăn giống bánh mì bate là kẹp thịt xiên, xúc xích vào bánh, rưới thêm nước chấm. Tuy nhiên ăn đúng điệu thì phải ăn tại quán, vừa nghe tiếng bánh mì giòn rụm tan trong miệng vừa hứng gió mùa Đông Bắc.
6. Bánh Cuốn Trứng
Cũng giống với các loại bánh cuốn khác, vỏ bánh cuốn trứng cũng được làm từ bột gạo xay nhuyễn hòa tan đều với nước rồi tráng thành một lớp mỏng. Điểm khác biệt rõ rệt của bánh cuốn trứng Lạng Sơn nghe cái tên là bạn cũng có thể đoán ra là nhân bên trong bánh là lòng đào trứng gà thơm ngậy.
Món bánh cuốn này ăn cùng với nước chấm được làm từ nước dùng ninh xương ống, thêm ít hành, mùi, tiêu, ớt…hoặc nước dấm pha chút xì dầu nhưng ngon nhất vẫn là chấm cùng nước thịt kho. Khác với loại bánh cuốn nhân thịt khác, khi ăn bánh cuốn trứng bạn sẽ cảm thấy vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng thêm chút đậm đà của món nước chấm khiến món ăn này thật tuyệt vời.