“Bánh ở đây không có hàn the, với lại ngon, cô cũng trong nghề bánh cuốn 20 năm rồi, mình sành mình ăn thì mình biết chứ!”
Nói đến bánh cuốn gia truyền nổi tiếng ở Hà Nội, bất cứ gã sành miệng nào cũng dễ đếm trên đầu ngón tay kể ra cả chục quán có lẻ: bánh cuốn bà Hanh, bánh cuốn bà Hoành, bánh cuốn Nguyễn Bỉnh Khiêm, bánh cuốn Phượng… những gánh hàng biết bao năm bám trụ, từ vỉa hè chỗ ngồi chẳng đủ vì khách đông, tháng này qua năm khác ngày một lớn hơn rồi trở thành những địa chỉ mà bất cứ ai cũng phải nếm thử một lần. Cho đến nay, để ăn được bánh cuốn ngon nổi tiếng đất phố, chắc chẳng đâu có giá dưới 25 ngàn một suất.
Ấy thế mà bất ngờ ở chỗ, nép trong con ngõ bé xiu ở đường Thụy Khuê, lại giấu kín một hàng bánh cuốn gia truyền có tuổi đời, vẫn giữ nếp vỉa hè, không biển hiệu lớn, chẳng quảng cáo, nép mình khiêm tốn với một chiếc bàn nhỏ và ghế băng gỗ dài kiểu xưa, thêm vài chiếc ghế nhựa con xung quanh mà tấp nập.
“Khách đến đông nên toàn phải chờ một lúc vì hết chỗ. Trước nhà ngoại mình bên Thụy Khuê, mẹ mình đã ăn ở đây từ bé tí. Mẹ mình kể trước đây là bà cụ bán, tính ra cụ cũng đến tuổi 90, giờ đến cô bán tiếp, cô làm đồ, chú thì ngồi tráng bánh...” - luutrang98955534
Mỗi suất bánh cuốn mướt mượt "chưa đến môi đã trôi đến ruột" chỉ có giá 10 ngàn một suất, ăn thêm chả chỉ tính thêm 5 ngàn. Lý giải giá tiền "mãi không chịu tăng", cô chú cười: "Khách hàng cũng toàn công nhân, người lao động, bà con xóm làng với tụi nhỏ quanh đây nên mình bán rẻ thôi, xưa lấy thế nào thì nay vẫn thế ấy!"
Bánh cuốn ở đây không ngon đến độ quá tinh tế khiến người ta nếm thử một lần là nhớ đến sắc sâu, thế nhưng, miếng bánh cuốn nóng vẫn hút hồn người ăn khi chan chấm cùng nước mắm ngon, vỏ mỏng tang, nhân đẫm giòn, từng miếng nóng hổi như chưa đến môi đã trôi xuống ruột.
Để phục vụ khách món bánh “chất lượng” như vậy, quá trình nhìn thì thoăn thoắt đơn giản, nhưng ẩn sau đấy là cả sự cầu kỳ khó sánh. “Không cầu kỳ thì chẳng làm được nghề bánh cuốn này. Nguyên liệu phải là gạo ngon, tự tay xay bằng cối đá thì bột mới chuẩn. Có bột rồi, phải sơ chế, đánh “rộng” nước ra, loại bỏ tạp chất trong bột đi và chỉ lấy bột nõn, có như vậy thì vỏ bánh mới mềm ngon. “Cốt tốt, gạo ngon” là hai thứ cốt lõi nhất.”
(Đến bây giờ nhà mình vẫn xay bột bằng cối đá, chứ không xay công nghiệp được)
“Thịt làm nhân phải là thịt mới mới ngon, nấm mộc nhĩ có thể làm sẵn từ hôm trước, bằm nhỏ cất tủ để sớm sau làm, nhưng thịt thì lúc nào cũng phải chọn thịt mới trong ngày cho đảm bảo.”
Có lẽ, cũng chính bởi sự tâm huyết và tỉ mỉ trong từng công đoạn, nên kể cả khách lạ tìm đến thì cũng thành khách quen, sức hút từ suất bánh cuốn trắng trơn, múp nhân vẫn khiến biết bao người mê đắm. “Giờ cao điểm (giờ ăn sáng) thì đông lắm, đến 9h 9 rưỡi trở ra thì bớt hơn. Mỗi ngày cô chú tráng cũng khoảng 5-7 cân gạo là thường”.
Ngoài bánh cuốn, ở đây còn có cả bánh đúc nóng gia truyền. Cùng một nhà với hàng bánh đúc nóng nổi tiếng tại số 8 Lê Ngọc Hân, nên cũng chẳng cần nghi ngờ độ ngon và chuẩn trong từng bát.
“Bánh đúc nóng thật ra cũng là nghề của mẹ chú, bà chị thì bán ở số 8 Lê Ngọc Hân phát triển nghề này. Ở đây chật quá nên chú chỉ tập trung bán bánh cuốn. Bánh đúc ai thèm thì ăn thôi, người ta hỏi thì nhà chú nấu bán mỗi sáng khoảng 20 suất. Bởi vốn dĩ bánh đúc là quà chiều, nên bán buổi sáng thì số lượng cũng khiêm tốn.”
Nói về tuổi đời của quán, đã bao năm đến cô chú cũng không nhớ nổi, chỉ mường tượng lại những ký ức xưa cũ mà ang áng mơ hồ, tất cả mọi thứ dường như đều nhẹ nhàng và ý nhị, như sự chu đáo, tần tảo trong từng đĩa bánh, như cái không khí lúc nào cũng lan tỏa khói bếp cùng hương bánh cuốn thảo thơm mỗi sáng ở con ngõ xinh xắn ít người biết này...
Tham khảo thông tin quán: https://www.foody.vn/ha-noi/banh-cuon-thuy-khue
Dương Phương - Lu Lu (thực hiện)