Trong ẩm thực Việt Nam ta, có thể nói món ăn có nhiều biến tấu, nhiều phong cách khác nhau giữa các vùng miền nhất chính là gỏi. Ăn gỏi không ăn mau, ăn hí hoáy cho no được, mà phải từ từ thưởng thức cùng những người xung quanh, cứ sau vài miếng lại nhấp môi một chút bia hoặc rượu và cảm thấy hương vị của món ăn cứ nồng nàn mãi không dứt. Gỏi ốc bươu Đà Nẵng tuy không nức tiếng như gỏi cá mai, gỏi cá trích… nhưng vẫn khiến những người ăn rồi nhớ mãi không thôi..
Như đa phần các món gỏi khác, nguyên liệu làm nên gỏi ốc bươu rất dễ kiếm, chỉ cần đi loanh quanh trong vườn nhà là đã có thể gom đủ những loại rau cần thiết như bắp chuối, bắp cải, cà rốt, rau răm, thêm vài trái ớt và tắc cho hương vị thêm đậm đà. Ngoài ra còn cần thêm một tí thịt heo, da heo cho món ăn thêm đa dạng, và không thể thiếu nguyên liệu chính, ốc bươu, thứ ốc quanh năm luôn có sẵn.
Khác với trước đây, ốc bươu chỉ là loại thực phẩm giúp phần nào cải thiện bữa ăn của các gia đình nông thôn để không mất chất do thiếu thịt cá, ốc bươu ngày nay đã được xếp vào hàng đặc sản với mức giá cao hơn rất nhiều. Không quá cầu kỳ như các đặc sản khác của Đà Nẵng, gỏi ốc bươu là món ăn ưa thích của cả dân địa phương và khách du lịch, thế nên khắp nơi từ các quán ăn tại chợ Cồn, chợ Mới, đến các quán ốc trên đường Lê Duẩn, không nơi nào là không có gỏi ốc bươu.
Ốc bươu nên mua về khi còn sống, vệ sinh, rửa sạch cho ốc nhả hết bùn và nhớt thì bắt đầu luộc sơ với một chút sả và nước muối. Sau khi ốc đã rơi miệng ra, thì mới lấy xuống cho ráo nước, rồi tiếp tục luộc với sả, gia vị đậm đà, ốc phải được đảo đều để có thể ngấm đều gia vị. Các quán phục vụ món gỏi ốc bươu đều chuẩn bị sẵn những đĩa rau sống, khách yêu cầu là lập tức khều ốc ra cho lên dĩa, chan nước mắm chua ngọt lên là đã có thể dùng được.
Nhiều người đã từng dùng thử ốc bươu và lo lắng rằng ốc bươu thường có mùi tanh, ăn có cảm giác lo lắng. Đấy là do không vệ sinh ốc kỹ lưỡng, khi hấp hoặc luộc ốc không hết mùi tanh được. Còn tại các quán ốc ở đây, do phục vụ cho khách du lịch Đà Nẵng rất nhiều, các chủ quán đều không muốn món ăn, quán ăn, văn hóa của mình mất đi vẻ đẹp trước mắt du khách nên ốc được sơ chế rất kỹ lưỡng.
Thêm nữa, do gỏi ốc bươu ăn kèm cùng rất nhiều loại rau quả khác nhau như xoài xanh, gỏi đu đủ, rau răm, lại kèm một lớp hành phi giòn rụm bên trên, thêm chút đậu phộng và chan nước mắm chua ngọt, trong đó có gừng, ớt, tỏi băm nhỏ… tất cả những thứ đó khi ăn cùng nhau thì hòa quyện trong miệng như một bản hợp ca hoàn hảo, khiến vị tanh cố hữu của ốc bươu hoàn toàn biến mất.
Thực khách thưởng thức gỏi ốc bươu thông thường chỉ ăn đơn giản như người Sài Gòn ăn gỏi khô bò. Nhưng thỉnh thoảng, cũng có nhiều thực khách thích thưởng thức cùng bánh tráng, bánh đa. Tất nhiên không phải là loại bánh tráng mềm dùng để ăn cùng với thịt luộc và bún, mà là loại bánh tráng to bảng, giòn rụm, bên trên có rắc thêm mè đen. Bẻ một mẩu bánh tráng, cho ít bắp chuối, ít gỏi đu đủ lên, nhón gắp một con ốc bươu, cho thêm tí rau thơm, tí hành phi, tí đậu phộng, rưới lên tí nước mắm, vắt thêm một tí tắc cho dậy mùi, và cứ thế cho vào miệng nhai rào rạo một cách ngon lành.
Hoàng Yến - Sưu tầm
Nguồn: My Tour