Trong những top điểm đến gần đây được thế giới bình chọn, Việt Nam thường được các du khách ưu ái vì nét đẹp ẩm thực đa dạng từ Bắc đến Nam. Trong phần 1 của chủ đề này, Foody.vn muốn giới thiệu đến các bạn 15 món ăn hấp dẫn đã chinh phục du khách nước ngoài và cả những công dân Việt Nam từ vùng núi phía Bắc đến duyên hải miền Trung.
Cao nguyên và vùng núi phía Bắc
1. Thắng cố
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H'mông. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, và thịt lợn. Theo lời của Giàng Seo Sẩu, một người tộc Mông 65 tuổi ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, nấu thắng cố ngựa ngon có tiếng, tính tới năm 2011 thì "Món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú.” Thưởng thức thắng cố ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang hay Sapa cũng sẽ để lại cho các du khách những ấn tượng vô cùng đặc biệt về ẩm thực của các dân tộc Việt Nam.
2. Thịt gác bếp
Thịt gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái Đen dùng để thiết đãi khách quý. Được chế biến từ bắp của trâu, bò, lợn thả nhong trên các vùng núi Tây Bắc. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rong trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, rất thơm ngon.
3. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong các dịp lễ tết. Xôi thường có 5 màu nên người ta gọi chung là “xôi ngũ sắc”. Năm màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên gốc của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc trong vườn nhà.
4. Bê chao Mộc Châu
Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao. Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo.
Hà Nội
5. Phở Hà Nội
Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt. Nhà văn Thạch Lam đã viết về phở trong cuốn “Hà Nội ba sáu phố phường”:
"Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ". Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối...."
6. Bánh mì
Bánh mì kẹp Việt Nam là một loại bánh mì ổ làm bằng bột mì thông thường (và có thể có bột gạo. Loại bánh mì này phát xuất từ bánh mì Baguette do người Pháp đem vào Việt Nam. Trong quá trình cải biên, người Sài Gòn đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng của Sài Gòn với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30–40 cm. Ổ bánh mì biến chế và thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người dân Việt Nam.
7. Bún chả
Bún chả là món ngon tinh hoa của ẩm thực Hà Nội. Trong cuốn Hà Nội ba sáu phố phường, Thạch Lam đã từng viết về sự hấp dẫn của món bún chả:
"...Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long.
Bún chả là đây có phải không?..."
8. Bún ốc
Hà Nội có nhiều món bún ngon và độc đáo, bún ốc là một trong số đó. Người Hà Nội chuộng bún ốc đến nỗi bún ốc đã xuất hiện khắp các con phố to, ngõ nhỏ và trở thành món ăn đặc trưng của đất kinh kỳ. Từ những cô bán bún ốc gánh đến những cửa hiệu to trên phố lớn, món bún ốc chua cay vẫn luôn chinh phục được khẩu vị của người Hà Nội và cả những du khách.
Huế
9. Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò". Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua , và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Đối với người dân xứ Huế, bún bò Huế là thức quà quen thuộc hệt như phở với người Hà Nội hay cơm tấm đối với người Sài Gòn.
10. Bánh Huế
Ẩm thực Huế nổi tiếng với những món ăn tinh tế. Bánh bèo, nậm, bột lọc, ram ít... là những món bánh đặc trưng của ẩm thực xứ Huế với hương vị khó lẫn, khiến bạn từng ăn thì sẽ nhỡ mãi. Bành bèo nhụy tôm thanh mát nhưng cũng không kém phần đậm đà với ruốc tôm và nước mắm chấm, ram ít ăn một lần sẽ muốn ăn thêm lại lần hai,...Thức bánh nào cũng thật ngon và khiến người ta phải ghi mãi trong lòng.
11. Cơm/bún hến
Không biết có tự bao giờ nhưng cơm hến, bún hến đã trở thành món ăn truyền thống và dân dã của người xứ Huế. Ai đến Huế mà không thưởng thức cơm hến thì coi như mất đi một phần thi vị. Bằng bàn tay chế biến khéo léo, những bà nội trợ Huế đã biến sinh vật nhỏ bé và vô cùng rẻ tiền này thành những món ăn chỉ có nơi đất Huế.
Đà Nẵng & Quảng Nam
12. Bún chả cá
Khác với bún chả cá Nha Trang hay Bình Định, bún chả cá Đà Nẵng có vị ngọt, thơm và chua chịu của nước dùng bởi các thành phần rau củ như bí đỏ, bắp cải, dứa và cà chua, khiến ta phải xuýt xoa mỗi lần được thưởng thức.
Nhắc đến Quảng Nam Đà Nẵng, chắc hẳn không ai trong các bạn không nghĩ ngay đến mì Quảng, món ăn đặc sản nổi danh của vùng đất này. Mì Quảng không giống phở Bắc, cũng chẳng giống bún bò Huế hay bún Ốc Hà Nội. Mì Quảng có nhiều loại khác nhau, mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò, mì sứa, mì cá lóc… nhưng hương vị đặc trưng của nó thì không lẫn vào đâu được. Hòa quyện cùng cọng mi trắng ngà, mềm mại là vị thanh ngọt và béo của nước hầm xương, mà người dân địa phương vẫn hay gọi là nước lèo.
14. Cao lầu
Cao lầu là tên một món mỳ ở Hội An. Đây được xem là món ăn đặc sản của thị xã Hội An. Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro một loại cây ở địa phương. Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì.
15. Cơm gà Hội An
Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Ngoài ra, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Với tất cả sự khéo léo tỉ mỉ trong cách chế biến của mình, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà rất riêng, đủ dấu ấn để người ta cho nó một cái tên riêng: Cơm gà phố Hội.
Cú béo tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet