Ngày gió tháng 7 âm, lang thang trên mỗi góc phố, chúng ta lại thấy rực rỡ những quầy hàng, sạp bánh trung thu nhiều màu sắc, làm lòng ta lại xốn xang nhớ về ngày tết thiếu nhi thủa thơ bé.
Tìm về tuổi thơ
Với mỗi người Việt, trung thu là dịp tết đặc biệt của thiếu nhi. Trung thu gắn với bánh kẹo, hoa quả, với những chiếc đèn cù, đèn sao màu sắc, với những màn múa lân, múa rồng sôi động. Tôi thích những chiếc đèn cù bé nhỏ, đèn được cắm vào một chiếc gậy, khi ta đung đưa, đèn phát ra một thứ ánh sáng ấm áp, dịu dàng, lan tỏa.
Trung thu cũng gắn với những chiếc mặt nạ bé thơ, đủ các hình dáng, các nhân vật để mỗi đứa trẻ chúng ta sẽ được hóa thân vào, để tập diễn kịch như hóa thành Tôn Ngộ Không đuổi bắt tên Chu Bát Giới hay ăn tham vậy.
Và kết thúc những màn múa, theo chân những đoàn diễu, chúng ta lại về đoàn tụ với gia đình, quây quần bên mâm cỗ tết, cùng nhau thưởng thức hương vị cổ truyền, thứ hương vị đặc trưng từ một món ăn không thể thiếu, thứ bánh trăng đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người Việt.
Thưởng bánh trăng
Bánh trung thu hay bánh trăng không chỉ là một món ăn cổ truyền, đó còn là tinh hoa của người Việt, là món quà trao tay, là biểu tượng cho ấm no, hạnh phúc. Bởi thế nên, mỗi gia đình Việt dù giàu hay nghèo vẫn luôn có chiếc bánh trung thu trong ngày lễ tết.
Ở Việt Nam từ xa xưa bánh trung thu đã xuất hiện, trải qua hàng trăm năm làm nghề, bánh trung thu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt chứ không chỉ riêng người Hoa. Bánh có 2 loại chính: bánh nướng và bánh dẻo và rất đa dạng loại nhân. Bánh dẻo thì đỡ tốn công làm nhưng để có được phần vỏ bánh mềm dẻo dai mà không bị hạt, không được mềm rũ cũng không quá khô cứng thì thật khó. Bánh nướng tuy phức tạp hơn trong công đoạn làm thế nhưng cũng có nhiều loại nhân phù hợp sự lựa chọn và được yêu thích nhiều hơn. Theo thời đại, mỗi năm thị trường lại có thêm vị bánh mới nhưng có lẽ nhân hạt sen, đậu xanh và thập cẩm, xá xíu cổ truyền vẫn được yêu thích hơn cả.
Đêm cỗ trung thu cổ truyền của người Việt dù có bao nhiêu hoa quả đi nữa mà thiếu mất đĩa bánh nướng bánh dẻo thì chẳng còn là ăn tết Trung thu. Bánh rồi được cắt khéo léo đủ đầy từng miếng với nhân, mỗi người một phần. Thưởng bánh nướng bánh dẻo với chén trà nghi ngút khói mới đúng cách thưởng của người Tràng An thanh lịch.
Mỗi bánh mỗi vẻ
Nhà tôi không hay làm bánh, hồi bé vẫn nhớ cứ trước tết cả nửa tháng mẹ tôi lại ra dặn những hàng bánh gần nhà, đặt trước mấy gói bánh để còn mang biếu ông bà, các cô bác, rồi cho tôi mang tết Thầy. Những chiếc bánh xưa, gói khuôn vuông vức, bọc trong lớp nilong mỏng, có thể cho hộp nhỏ để đem biếu mọi người. Bánh nay cũng khác nhiều, thay đổi lớn nhất là thường được đổ khuôn tròn, hay còn là những chiếc bánh cá chép, bánh chú lợn con,…những hình thù ngộ nghĩnh bắt mắt trẻ nhỏ.
Ngày nay, mỗi khi nhớ về vị bánh trung thu truyền thống, ta vẫn có thể tìm đến những địa chỉ bánh gia truyền quen thuộc.
Tiệm Bảo Phương phố Thụy Khuê
Không chỉ bán dịp trung thu, bánh ở Bảo Phương được làm và bán quanh năm. Cứ đến độ tháng 8, cửa hàng luôn đông nghịt người đứng xếp hàng mua bánh. Bánh Bảo Phương mang hương vị truyền thống, bánh được làm luôn và tiêu thụ trong ngày nên rất tươi mới, ngon lành.
Giá bánh dao động từ 30.000đ-70.000đ.
Xem thêm thông tin chi tiết tại:
http://www.foody.vn/ha-noi/bao-phuong-nha-hang-banh-trung-thu
Tiệm Ninh Hương phố Hàng Điếu
Là tiệm chuyên về mứt sen, trà hương nhài nhưng đến dịp trung thu tiệm làm thêm bánh được người dân phố cổ rất yêu thích. Bánh được làm từ đậu xanh, hạt sen,.. xát nhuyễn có hương thơm ngon lành, tự nhiên, không bị ngọt sắc.
Giá bánh trong khoảng 55.000đ.
Xem thêm thông tin chi tiết tại:
http://www.foody.vn//ha-noi/ninh-huong-banh-trung-thu-gia-truyen
Tiệm Bà Dần phố Hàng Bè
Bánh trung thu bà Dần vốn là thương hiệu rất mộc mạc nhưng gần gũi và quen thuộc với người dân phố cổ. Bánh từ một người nội trợ thường làm cho gia đình , người thân, tiếng lành đồn xa, bánh của bà Dần được đông người biết đến. Bánh được nhào chuẩn bằng tay chứ không phải nhào công nghiệp, rất giản dị và khác biệt.
Giá bánh dao động từ 30.000đ đến 600.000đ ( bánh to đường kính cỡ 30cm)
Tiệm Phương Soát phố Hàng Chiếu
Bánh trung thu Phương Soát nằm ở cửa hàng nhỏ trên tầng 2 của một căn nhà cũ kỹ với cầu thang gỗ - đúng chất phố cổ. Bánh đây được làm thủ công hoàn toàn, luôn nóng hổi mang hương vị đậm đà khó cưỡng, dân sành ăn Hà thành không ai là không biết đến thương hiệu này.
Giá bánh dao động từ 50.000đ- 70.000đ.
Bánh Trung thu truyền thống không chỉ mang sức sống cho người hoài cổ mà là điểm đến cho mọi lứa tuổi để tìm về kí ức tuổi thơ. Tôi và cũng như bao đứa trẻ cứ mỗi khi đến mùa này vẫn háo hức lắm, mong chờ lắm, một mùa trung thu quây quần ấm áp.
Khánh Huyền - Foody Hà Nội