Đối với các nước chịu ảnh hưởng từ nền văn minh lúa nước thì tháng tám âm lịch được xem là mùa nghỉ ngơi, thư nhàn của người nông dân sau một vụ gặt vất vả. Hơn hết, vào ngày 15/8 âm lịch đó là lúc mặt trăng tròn, đẹp và sáng nhất trong năm nên cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với “nữ thần mặt trăng” hay đơn giản là an nhiên thưởng nguyệt. Có lẽ vì thế mà rằm trung thu là dịp mọi người kết nối lại với nhau ngồi quây quần vừa thưởng thức bánh trung thu vừa uống trà, ngắm trăng, thưởng hoa, ngâm thơ đầy tao nhã hay tưng bừng hòa mình trong không khí vui chơi của lễ hội trăng rằm như ca hát, nhảy múa, đốt đèn lồng, múa lân, múa sư tử…náo nhiệt. Đêm trăng rằm cũng chứa đựng nhiều nghi thức của phong tục tập quán và truyền thuyết khác nhau của từng dân tộc nên ta sẽ thấy được sự đa dạng đầy màu sắc rất riêng của từng quốc gia. Nào cùng nhau khám phá bản sắc văn hóa riêng của mỗi nước trong dịp Trung thu này nhé.
1. Trung Quốc
Là một trong những chiếc nôi văn hóa lớn của nhân loại danh từ “trung thu” đã xuất hiện sớm nhất trong sách Chu Lễ và thật sự trở thành ngày lễ hội vào cuối thời Đường. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn Đường Minh Hoàng vẫn nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Vào đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn, xuất hiện một vị tiên đưa nhà vua đi gặp quý phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng đầu kia chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung trăng thì nhìn thấy quý phi trong đoàn vũ. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh thơ mộng nên đã chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn, bày tiệc ăn mừng náo nhiệt khắp nơi. (Cũng có tích cho rằng rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên vào ngày này khắp dân chúng phải treo đèn, bày tiệc ăn mừng để tỏ lòng biết ơn vua). Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong đêm rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Tại Trung Quốc Trung thu được hiểu như là một hình thức thưởng nguyệt đầy tao nhã của tất cả mọi người. Nếu như ban đầu trung thu xuất phát dưới dạng tế lễ thì giai đoạn trở về sau nó như một lễ hội ngắm trăng vui chơi, cùng nhau đàm đạo mọi thế sự hay chỉ là để uống rượu, hát ca vui vẻ. Bên cạnh đó, Trung Thu còn gắn liền với truyền thuyết Hằng Nga và thỏ ngọc với nhiều tích khác nhau nhưng tựu trung lại đều mang ý nghĩa là cứu giúp mọi người hay thực hiện mong ước của nhiều người khắp nhân gian. Vì thế mà Trung thu còn được biết đến với phong tục bái nguyệt trong dân gian. Trong dịp tết Trung thu mọi người làm bánh Mooncake với lớp bánh làm mỏng, bên trong có nhân sen, đậu xanh hoặc trứng muối được nướng đều để trao tặng cho nhau. Phong tục này bắt nguồn từ cuối đời Nguyên đầu thời Minh và được phổ biến rộng rãi cho đến bây giờ. Ngày nay, có rất nhiều loại bánh khác nhau từ hình dáng đến nhân bánh bên trong phù hợp với khẩu vị mọi người nhưng đa phần bánh trung thu có hình tròn để tượng trưng cho ngày đoàn viên. Bên cạnh sự đa dạng trong ẩm thực thì các hoạt động vui chơi trong ngày này cũng rất đặc sắc với các hoạt động như treo lồng đèn với vài câu dí dỏm, tham gia múa lân, rước đèn cá chép, đèn kéo quân hay ngắm hoa đăng để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân.
Tết Trung thu ở đây có nhiều tên gọi khác nhau như thu tiết, bái nguyệt tiết, bát nguyệt tiết, bát nguyệt hội, nguyệt tiết, truy nguyệt tiết, nguyệt tịch, đoàn viên tiết…
Không khí Trung thu ở Trung Quốc
2. Singapore
Đảo quốc Sư Tử với phần lớn dân số là người Hoa nên tết Trung Thu tại đây cũng được coi trong và tổ chức lớn hằng năm. Bởi đây là lúc kết nối, hàn gắn tình cảm và bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, người thân. Vào dịp nay người ta thường trao cho nhau những chiếc bánh trung thu thơm ngon cùng với những lời chúc tốt đẹp đến cho bạn bè, người thân hay đối tác của mình. Vì vậy nếu bạn đến với Singapore đúng vào lễ Trung Thu thì ắt hẳn sẽ được ngắm sự rưc rỡ trên khắp nẻo đường như Orchard Road – con đường mua sắm du lịch nổi tiếng- sông Singapore, Du Hoa Viên….đầy hào nhoáng và màu sắc.
3. Malaysia, Philippines
Cũng như Singapore cả 2 nước này đều có Hoa Kiều chiếm khá lớn nên tết Trung Thu được tổ chức khá nhộn nhịp với nhiều hoạt động khác nhau. Tại Malaysia khi lễ hội Trung Thu đến mọi người cùng thưởng thức bánh mặt trăng đủ màu sắc, cùng thưởng thức trăng và xách lồng đèn đi dạo phố phường. Đến Kula Lumpur bạn sẽ thấy những đoàn người diễu hành chào đón lễ hội với các chương trình múa rồng, múa sư tử, các xe chở “Hằng Nga”, “Thất Tiên Nữ” đi ngao du rất tưng bừng. Còn tại thủ đô Manila – Philippines cũng náo nhiệt không kém. Các hoạt động như diễu hành múa rồng, diễu hành trang phục dân tộc, lồng đèn và xe hoa cũng đươc tổ chức rất long trọng.
4. Thái Lan
Đến với đất nước Chùa Vàng thi người dân nơi đây gọi Tết Trung Thu là “Kỳ Nguyệt Tiết” hay còn gọi là lễ hội cầu nguyện trăng. Theo truyền thuyết của người Thái Bát Tiên sẽ đem đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm và lúc này thì các vị thần tiên sẽ ban phước lành đến với mọi người. Vì thế mà vào đêm rằm, trên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Bát Tiên sẽ để trái đào và bánh trung thu. Còn bên dưới mọi người trong gia đình sẽ ngồi bên nhau cầu nguyện và ban phước lành đến với nhau.
5. Nhật Bản
Trung thu tại đất nước Phù Tang được tổ chức 2 lần trong mỗi năm đó là ngày 15/8 âm lịch gọi là hội Zyuyoga cùng phong tục Tsukimi hay Otsukimi và hội Zyusanya được tổ chức vào ngày 13/9 âm lịch kế tiếp đó. Cả 2 lễ hội không khác gì nhiều nhưng theo tục lệ thì đã ai tham gia lễ hội đầu tiên thì phải tham gia ngày hội thứ 2 bởi nếu không sẽ gặp xui xẻo. Trong khuôn khổ tìm hiểu nét chung lễ hội rằm tháng 8 chúng ta cùng nhau tìm hểu phong tục Tsukimi đặc trưng tại vùng đất này. Lễ hội Trung thu còn được gọi là “thập ngũ da” (đêm 15) hay “Trung thu danh nguyệt” (Trung thu trăng sáng) với tục ngắm trăng điển hình nơi này (còn được gọi là Tsukimi). Cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nên tục ngắm trăng, mở tiệc cũng được tổ chức thường niên và được gọi là “quan nguyệt yến” (tiệc ngắm trăng).
Vào Lễ Tsukimi, người Nhật sẽ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và tinh tế dâng mặt trăng để thể hiện lòng thành kính của mình và sau đó mọi người trong gia đình bạn bè sẽ ngồi quây quần bên nhau cùng uống trà ăn bánh, chuyện trò và ngâm thơ. Món ăn truyền thống gắn liền với mặt trăng gồm có: cỏ Susuki, Tsukimi Dango (một loại bánh nếp với viên bánh tròn xoe màu trắng tượng trưng cho vầng trăng) và một số các món khác như hoa quả, hạt dẻ, khoai môn edamame… được bày lên trên chiếc kệ gỗ và dặt kế bên hiên nhà hày gần cửa sổ hoặc bất kỳ chỗ nào mà có thể thấy trăng rõ nhất. Bên cạnh món Tsukimi Dango thì một bát mì soba nấu với rong biển, trứng và nước thịt là món ăn đặc trưng truyền thống trong lễ hội trăng rằm. Trên phố, trong những ngày này, người ta thường bán bánh mì trứng với hình ảnh quả trứng rán lên tròn trịa vàng rộm tựa vầng trăng ngày Rằm. Tại Nhật Bản, hình tượng cá chép lội ngược thác nước tượng trưng cho lòng can đảm và là hiện thân của võ sĩ Samourai nên ta có thể thấy lồng đèn cá chép được treo đầy mọi nơi trong lễ hội trung thu.
Tusukimi đã trở thành một lễ hội được yêu thích trong mỗi dịp trăng rằm và cũng là một biểu trưng rất riêng của văn hóa Nhật Bản đối với các nước khác.
6. Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc tết Trung thu được gọi là Chuseok nghĩa là đêm mùa thu với ngày lễ chính diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch. Lễ hội Chuseok còn được xem là lễ tạ ơn của người Hàn đối với tổ tiên của mình và cầu mong cho mùa màng bội thu hơn, cuộc sống ấm no và đầy đủ hơn nữa. Vì vậy mà ngày lễ sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày để mọi người có thể nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình người thân thể hiện sự hiếu đạo của mình
Chuseok diễn ra vào đúng dịp thu hoạch vụ mùa nên các loại thực phẩm đều là sản phẩm sau lễ thu hoạch. Vào ngày lễ này, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ với nhiều món đa dạng như bánh Songpyeon (bánh gạo hình bán nguyệt), Taro guk (canh khoai môn), Hwanyang Jeok (rau và thịt xiên), Dakjjim (gà luộc) để dâng lên cúng tổ tiên. Trong đó quan trọng nhất là chiếc bánh Songpyeon được làm cẩn thẩn tỉ mỉ để làm sao vẫn giữ được mùi nếp hòa cùng hương lá thông cùng với vị bùi bùi của vị dậu nhưng vẫn đem lại hình dáng tươi vui nổi bật hình dáng vầng trăng khuyết. Việc làm chiếc bánh đẹp thể hiện sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ trong mắt mọi người. Ngoài việc đi thăm viếng mộ tổ tiên và dâng thức ăn thể hiện lòng thành kính thì đây cũng là khoảng thời gian nhà rỗi, thảnh thơi của tất cả mọi người. Họ mang bánh, rượu hay 1 giỏ trứng đến thăm họ hàng thân thuộc để chuyện trò, tâm sự với nhau hoặc có thể tham gia trò Banboki tức gặp gỡ những người mình mong đợi được tổ chức trong dịp này. Bên cạnh đó bạn cũng có thể tham gia một số trò chơi dân gian như: Kankangsullae (phụ nữ mặc những bộ Hanbok tụ họp thành vòng trong hát và nhảy múa), trò chơi rùa với mong muốn sẽ đem đến tuổi thọ sự may mắn và xua đuổi những linh hồn xấu xa, trò chơi bò thể hiện cầu mong mùa màng bội thu hơn nữa, trò kéo co, trò đấu vật hết sức vui nhộn và thú vị.
Lễ Chuseok là lễ lớn thứ 2 trong năm sau lễ tết Âm Lịch của người Hàn Quốc nên nó không chỉ được tổ chức lớn mà còn rất trang trọng từ trong ý thức đến cách thức vui chơi của mỗi người.
7. Triều Tiên
Đối với người dân Triều Tiên thì Trung Thu được xem như là một lễ hội vui chơi giành cho tất cả mọi người. Mỗi nhà sẽ làm làm bánh nướng xốp gọi là muffin với hình dáng như nửa vầng trăng làm từ bột gạo có nhân đậu, mứt, táo… rồi đem biếu tặng lẫn nhau. Mọi người cùng nhau vừa ăn bánh vừa thưởng nguyệt vừa tổ chức các hoạt động như kéo co, vật, biểu diễn ca múa… rất nhộn nhịp. Lế hội Trung Thu ở đây được gọi là “Thu Tịch Tiết” (lễ hội đêm Thu).
8. Miến Điện
Vào ngày trăng tròn nhất tháng 8 khắp nơi tại Miến Điện sẽ ngập tràn ánh sáng từ các ngọn đèn đuốc nên gọi là lễ hội Quang Minh. Trong suốt cả ngày mọi người sẽ cùng nhau chơi đà như diễn kịch, múa rối, nhảy múa hát ca… sôi nổi không ngừng. Ngoài ra tại các Phật tháp còn diễn ra hoạt động bố thí cơm chay rất đông vui.
9. Lào
Vào trung thu người dân Lào từ già trẻ, gái trai đều tụ họp lại để cùng nhau thưởng nguyệt và gửi lời cầu phúc đến với mặt trăng nên ngày này còn được gọi là “Nguyệt phúc tiết” nghĩa là lễ hội trăng phước lành. Khi hoàng hôn buông xuống thì lễ hội trở nên nhộn nhịp với màn nhảy múa hát ca thâu đêm của các chàng trai cô gái.
10. Campuchia
Đất nước Campuchia tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) vào ngày 15 thượng huyền (trăng lưỡi liềm – từ mồng 7 đến mồng 8 âm lịch) theo truyền thống. Từ sáng sớm mọi người đã bắt đầu chuẩn bi lễ vật để cúng nguyệt gồm hoa tươi, súp sắn. gạo dẹt, nước mía. Khi đêm tới, mọi người lại bày đồ cúng vào khay đẻ lên chiếu và thảnh thơi ngồi chờ trăng lên. Lúc mặt trăng nhô lên đầu cành cây thì mọi người thành tâm bái nguyệt cầu xin ban phước sau đó người già sẽ nhét gạo dẹt đầy vào miệng trẻ con với mong muốn viên mãn và tốt đẹp trong thời gian tơi.
11. Việt Nam
Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ lâu nên tết Trung Thu nhanh chóng du nhập và được mọi người tiếp nhận dễ dàng nên ta sẽ dễ thấy nhiều nét tương đồng trong lễ tết này ở cả hai nước.
Theo truyền thống người Việt thì vào dịp Trung Thu mỗi gia đình sẽ bày cỗ để mấy đứa trẻ con cùng nhau “phá cỗ” và mua lồng đèn cho mấy đứa trẻ để chúng đi rước đèn ông trăng. Cỗ mừng trung thu thường thấy gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và một số hoa quả đặc trưng của màu thu. Đây là dịp để mọi người trong gia đình thể hiện tình yêu thương lẫn nhau và lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Trước đây, Trung Thu còn được tổ chức hát trống quân theo nhịp “thình, thùng, thình” đầy vui tươi. Trong lễ hội trai gái sẽ đối đáp nhau bằng những bài thơ lục bát đậm chất dân tộc. Ngày nay, tết Trung Thu được biết đến như lễ hội dành cho trẻ em là chủ yếu là dịp để các bé thể hiện những ước mơ, mong ước của mình đến với chú Cuội hay chị Hằng Nga trên cung trăng.
Chú Cuội ngồi dưới gốc đa
Chờ khi trẻ đến đứng ra cho quà.
Hay
Chị Hằng bước xuống trần gian
Tới thăm những trẻ còn mang thêm quà.
Vào đêm Trung thu các em nhỏ sẽ được thưởng thức các loại bánh trung thu với nhiều hương vị khác nhau, cùng cằm lồng đèn dạo chơi và được chơi các trò chơi dân gian đầy thú vị.
Bên cạnh món bánh nướng giống Trung Hoa thì tại Việt Nam mọi người còn được thưởng thức món bánh dẻo mềm với nhân đậu xanh thơm ngon, hấp dẫn. Vừa nhâm nhi tách trà, ăn bánh thưởng nguyệt và nhìn con cháu quây quần đông vui là một điều tuyệt vời. Vì thế Trung Thu không chỉ đơn thuần là ngắm trăng mà nó còn là dịp để bày tỏ tình thương gia đình giữa các thành viên với nhau, bày tỏ sự hiếu kính của người trẻ với người lớn trong gia đình. Có thể nói lễ tết Trung thu mang một giá trị nhân văn to lớn gửi đến tất thảy mọi người.
Lễ tết Trung Thu đa phần đều được các có nền văn minh lúa nước tổ chức để bày tỏ sự tạ ơn của mình giành cho mặt trăng, của thiên nhiên đã mang đến một mùa thu hoạch bội thu hơn nữa. “Trung thu” với tên gọi đơn giản và cách hiểu là ở giữ mùa thu đem đến cho tất cả mọi người sự bình yên, không chút màu mè nên dễ dàng cho mọi vùng đất, mọi nơi đón nhận nó một cách nhanh chóng. Tuy qua mỗi nơi nó đều thể hiện khác nhau cho phù hợp văn hóa của mỗi nước, mỗi khu vực nhưng bản chất và ý nghĩa của ngày rằm tháng tám vẫn được lưu giữ khắp nơi.
THÙY NHUNG-Foody.vn